Điều trị và phòng tránh bệnh loãng xương ở người cao tuổi
Điều trị và phòng tránh bệnh loãng xương ở người cao tuổi
Loãng xương ở người cao tuổi
Điều trị và phòng tránh bệnh loãng xương ở người cao tuổi - Ảnh: BookingCare

Điều trị và phòng tránh bệnh loãng xương ở người cao tuổi

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 07/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Tìm hiểu ngay những phương pháp điều trị và cách thức phòng tránh bệnh loãng xương ở người cao tuổi trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Loãng xương ở người cao tuổi là một vấn đề sức khỏe phổ biến, đặc biệt là phụ nữ sau mãn dục. Loãng xương ở người cao tuổi có thể gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy cần làm như thế nào để điều trị và phòng tránh bệnh loãng xương ở người cao tuổi? Hãy cùng BookingCare tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt nội dung bởi BS CKI Nguyễn Dương Nhật Thi:

THÔNG TIN BÁC SĨ CHUYÊN KHOA I NGUYỄN DƯƠNG NHẬT THI:

  • Công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức
  • Gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.
  • Tham gia nhiều khóa học phẫu thuật chuyên sâu về cơ xương khớp trong và ngoài nước.

  • Kinh nghiệm điều trị và phẫu thuật chuyên sâu về Khớp : 

    • Các bệnh lí đau và biến dạng khớp: thay thế, chỉnh hình khớp

    • Y học thể thao: tái tạo dây chằng gối , vai…

    • Xử lí các biến chứng trong và sau chấn thương: gãy xương, trật khớp…

Bệnh loãng xương ở người cao tuổi

Loãng xương được đặc trưng bởi sự thay đổi sức mạnh của xương. Sức mạnh này được thể hiện bởi mật độ xương và chất lượng của xương dẫn đến dễ bị gãy, rạn, nứt. Chất lượng xương được đánh giá bởi các thông số: cấu trúc xương, chu chuyển xương, độ khoáng xương, tổn thương tích lũy, tính chất của các chất cơ bản của xương.

Loãng xương hay còn gọi là xốp xương, tức là tỷ trọng khoáng chất của xương ở một cơ thể suy giảm đáng kể (trong đó có hormone sinh dục, các chất protein, vitamin D).

Loãng xương là một bệnh phổ biến thứ hai sau bệnh tim mạch ở người cao tuổi. Ngày nay, bệnh loãng xương đang có xu hướng gia tăng ở khắp toàn cầu, trong số đó người cao tuổi và đặc biệt là phụ nữ chiếm tỷ lệ cao (cứ 3 phụ nữ cao tuổi thì có 1 người bị loãng xương).

Nguyên nhân gây ra loãng xương ở người già là do:

  • Chế độ dinh dưỡng hàng ngày không cung cấp đủ canxi hoặc một lý do nào đó khiến cơ thể không thể hấp thụ được canxi (ăn kiêng kéo dài, chế độ ăn nghèo nàn, kém chất lượng)
  • Người cao tuổi mắc một số bệnh về tuyến thượng thận, cường giáp trạng, suy thận, chấn thương, bệnh yếu liệt chi, bệnh mãn tính phải nằm dài ngày, lạm dụng thuốc có chứa corticoides trong thời gian dài
  • Ngoài ra, yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng gây loãng xương ở người cao tuổi là do: tiểu sử bị còi xương khi còn nhỏ, hàng ngày ít vận động, béo phì, hút thuốc lá.

Dấu hiệu nhận biết loãng xương

Loãng xương ở người cao tuổi là tình trạng thường thấy. Người thân cần chú ý đưa người cao tuổi đi khám loãng xương với các bác sĩ Cơ Xương Khớp khi có những dấu hiệu sau đây.

Giai đoạn đầu không có triệu chứng gì đặc hiệu ngoài dấu hiệu: mệt mỏi, ăn uống kém, nhức xương không thường xuyên.

Càng về sau sự thiếu hụt chất canxi làm cho xương xuống cấp nghiêm trọng (loãng, xốp xương) các triệu chứng đau nhức rõ rệt hơn.

  • Đau nhức xương hay gặp là đau lưng
  • Đau chân tay, các khớp và mỏi bại hông, đặc biệt là các khớp xương chịu lực mạnh như: xương sống, khớp gối, khớp cổ chân, khớp háng; các xương dài như: xương đùi, xương cẳng chân, xương cánh tay, cẳng tay, đốt sống thắt lưng
  • Dễ dàng bị gãy xương do bị ngã, vấp...
  • Đau nhức xương và các khớp, đau thường rõ nhất vào ban đêm
  • Một số người cao tuổi bị loãng xương còn thấy xuất hiện triệu chứng là chuột rút

Các phương pháp chẩn đoán loãng xương

Loãng xương có thể chủ động phòng ngừa và làm chậm tiến độ phát triển của bệnh nhưng không thể chữa khỏi được nên bệnh nhân cần lưu ý, không được chủ quan.

Người cao tuổi nên đi khám bệnh về xương khớp tại các cơ sở đủ điều kiện để được làm các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm đánh giá tình trạng của xương như:

  • Đo mật độ xương
  • Chụp Xquang cột sống, xương tay, chân...: 
  • Các xét nghiệm sinh hóa
  • Sinh thiết xương
  • Chụp cộng hưởng từ để đánh giá cấu trúc xương bên trong

Trong các phương pháp này thì đo mật độ xương vẫn là phương pháp phổ biến nhất.

Chẩn đoán loãng xương ở người cao tuổi
Chẩn đoán loãng xương ở người cao tuổi - Ảnh: verywellhealth.com

Điều trị bệnh loãng xương ở người cao tuổi

Trên thế giới, người ta thấy rằng cứ 30 giây thì có một người bị bệnh gãy xương do loãng xương. Dự đoán rằng đến năm 2050 các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ chiếm 50% các trường hợp tàn phế hoặc bị đe dọa đến tính mạng do gãy khớp háng do loãng xương gây ra.

Khi người cao tuổi mắc bệnh loãng xương không được phát hiện hoặc phát hiện rồi nhưng điều trị không đúng phác đồ thì hậu quả xấu nhất là rạn xương, nứt, vỡ hoặc gãy xương.

Điều trị loãng xương có sự khác biệt giữa nữ và nam và ở các lứa tuổi khác nhau. Lứa tuổi được chia thành 50-60, tuổi 60-80 và ngoài 80 tuổi. Điều trị loãng xương không gãy xương và loãng xương có gãy xương cũng sẽ khác nhau.

Khi điều trị, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ như: uống thuốc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng… 

Các biện pháp chữa loãng xương không dùng thuốc

Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt là phương pháp đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của xương:

  • Tập luyện thể lực, thể thao thường xuyên:
    • Tập chịu đựng sức nặng của cơ thể như đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ…
    • Tập sức mạnh cho cơ: tập kháng lực, nhấc vật nặng phù hợp với khả năng của từng người nếu không có chống chỉ định.
  • Đảm bảo chế độ ăn giàu canxi, nếu cần thiết có thể sử dụng cả thuốc để bổ sung canxi và vitamin D. Đồng thời, bệnh nhân lưu ý tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá...

 Các biện pháp dùng thuốc

Việc quyết định sử dụng và loại thuốc nào phù hợp cho từng người cần được đưa ra dưới sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ chuyên khoa xương khớp hoặc chuyên gia dược phẩm, dựa trên đánh giá tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh và yếu tố riêng của từng người.

Tùy thuộc vào tình trạng loãng xương của từng người bệnh, bác sĩ Cơ Xương Khớp sẽ lựa chọn thuốc điều trị phù hợp. 

Biện pháp điều trị lâu dài

  • Theo dõi sát sự tuân thủ điều trị. Một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh loãng xương ở người già chính là: người bệnh không tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Nếu người bệnh quên uống thuốc chỉ trong một tuần thì hiệu quả điều trị sẽ giảm tới 64%.
  • Đo lại mật độ xương sau mỗi 1-2 năm để đánh giá kết quả điều trị
  • Bệnh nhân loãng xương cao tuổi thường phải được điều trị lâu dài, theo dõi trong vòng từ 3 - 5 năm. Sau đó đánh giá lại tổng thể tình trạng bệnh để quyết định phương hướng điều trị tiếp theo.

Phòng tránh bệnh loãng xương ở người cao tuổi

Để phát hiện và phòng ngừa bệnh loãng xương ở người cao tuổi, việc thăm khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết. Phát hiện bệnh càng sớm quá trình điều trị sẽ mang lại hiệu quả hơn, phòng chống gãy xương.

Trường hợp đã bị loãng xương phải hết sức cẩn thận khi làm các động tác mạnh, đi lại cũng phải tránh ngã, vấp, khuỵu, gập chân, tay, nhất là lên cầu thang vì rất dễ gây gãy xương đặc biệt là xương đùi. Gãy cổ xương đùi là một cấp cứu ngoại khoa nặng vì dễ dàng gây sốc và hậu quả xấu khó lường.

Cách phòng bệnh loãng xương tốt nhất là cung cấp một chế độ ăn giàu canxi, protein, vitamin D: tôm, cua, ốc, các chế phẩm có chứa thành phần canxi, bổ sung hoa quả, trái cây tươi, giá đỗ… làm tăng khả năng chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và tăng khoáng chất cho xương, cũng như điều trị hiệu quả các bệnh lý kèm theo.

Cần tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn như: đi bộ, tập hít thở, tập vận động các khớp xương. Những người đã bị loãng xương không nên làm các động tác mạnh, gấp gáp và tránh ngã, vấp.

Nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác như sử dụng thuốc corticosteroid lâu dài hoặc mắc các bệnh lý như bệnh tiểu đường, viêm khớp, hay suy giảm chức năng thận, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và giảm nguy cơ loãng xương do dùng thuốc.

Định kỳ kiểm tra mật độ xương: Người cao tuổi nên định kỳ kiểm tra mật độ xương bởi đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương do sự lão hóa theo thời gian, tuổi cao, lao động năng nhọc trong thời gian dài, ăn uống thiếu chất…

Phòng tránh bệnh loãng xương ở người cao tuổi
Phòng tránh bệnh loãng xương ở người cao tuổi - Ảnh: BookingCare

Khám và điều trị loãng xương ở đâu tốt Hà Nội? 

Ở người cao tuổi các khớp xương đang dần thoái hóa

Vì thế, khi nhận thấy có các triệu chứng đau nhức các khớp xương ở lưng, cột sống, tay, chân… phải nhanh chóng đi khám với bác sĩ chuyên khoa để xác định tình trạng, nguyên nhân gây đau, từ đó đưa ra được liệu pháp chữa trị thích hợp.

Tại Hà Nội, một số bệnh viện uy tín, được người bệnh tin tưởng trong khám và điều trị bệnh lý về xương khớp trong đó có loãng xương như:

Khoa cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai

  • Địa chỉ: 78 Giải Phóng - Phương Mai - Hà Nội

Khoa cơ xương khớp - Bệnh viện E

  • Địa chỉ: 89 Trần Cung - Cầu Giấy - Hà Nội

Chuyên khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Hồng Phát

  • Địa chỉ: Số 219 Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Hà Nội

Khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Đông Đô

  • Địa chỉ: Số 5, Xã Đàn - Phương Liên - Đống Đa -Hà Nội

Phòng khám đa khoa Vietlife

  • Địa chỉ: Số 14 Trần Bình Trọng - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Trên đây là những thông tin về loãng xương ở người cao tuổi mà bệnh nhân cần biết. Bạn đọc có thể tham khảo các bệnh Cơ Xương Khớp khác tại chuyên mục Cẩm nang của BookingCare.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết