Bệnh loãng xương có chữa được không? - Lời khuyên từ chuyên gia
Bệnh loãng xương có chữa được không?
Bệnh loãng xương có chữa được không? - Ảnh: BookingCare

Bệnh loãng xương có chữa được không? - Lời khuyên từ chuyên gia

Tác giả: - Xuất bản: 21/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/11/2023
“Bệnh loãng xương có chữa được không?” là câu hỏi mà nhiều người bệnh thắc mắc trong quá trình tìm hiểu về bệnh loãng xương. Để giải đáp câu hỏi này cũng như đưa ra những lời khuyên từ chuyên gia trong khi điều trị bệnh loãng xương, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của BookingCare.

Bệnh loãng xương, hay còn gọi là loãng xương, là tình trạng mật độ xương giảm đi và cấu trúc xương trở nên yếu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gãy xương, gây đau đớn và giới hạn chức năng của người bệnh.

Vậy bệnh loãng xương có chữa được không và người bệnh có thể khỏi hoàn toàn không? Bài viết dưới đây của BookingCare sẽ chia sẻ cho bạn đọc những lời khuyên từ chuyên gia về vấn đề này.

Tìm hiểu về bệnh loãng xương

Loãng xương là bệnh khiến xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy. Tuy nhiên, loãng xương không có triệu chứng rõ ràng và thường chỉ được phát hiện cho đến khi bị ngã hoặc va chạm đột ngột khiến xương bị gãy.

Bệnh loãng xương thường xảy ra do tuổi tác, giới tính (phụ nữ có nguy cơ cao hơn), gia đình có tiền sử bệnh, lối sống ít vận động, không lành mạnh và tiêu thụ không đủ canxi và vitamin D.

Bệnh loãng xương có thể xảy ra ở  mọi người. Thông thường hay bắt gặp loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh và loãng xương ở người cao tuổi vì đây là những nhóm có nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên hiện nay, do nhiều yếu tố mà tình trạng loãng xương ở người trẻ cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

Dưới đây là một số ảnh hưởng chính của bệnh loãng xương:

  • Dễ bị gãy xương: Bệnh loãng xương làm giảm mật độ xương và làm cho xương trở nên yếu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là ở những vùng xương như xương đùi, xương cánh tay, xương bàn chân và xương hông.
  • Giảm chiều cao: Mất mật độ xương có thể làm cho xương sống bị co lại, dẫn đến việc giảm chiều cao của người bệnh.
  • Đau xương: Người mắc loãng xương có thể gặp đau xương, đặc biệt là trong khi vận động hoặc khi nằm dài trong thời gian dài. Cường độ đau tăng về đêm.
  • Cơ thể khó chịu: Cảm giác lạnh, hay bị chuột rút ở các cơ, ra mồ hôi, ớn lạnh.
Loãng xương khiến người bệnh bị đau xương và cơ thể khó chịu
Loãng xương khiến người bệnh bị đau xương và cơ thể khó chịu - Ảnh: suckhoedoisong.vn

Bệnh loãng xương có chữa được không?

Điều quan tâm nhất của những người được chẩn đoán bị loãng xương chính là loãng xương có chữa được không. Câu trả lời là bệnh loãng xương có chữa được nhưng vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. 

Có thể lý giải điều này như sau: Trong những năm đầu đời, xương trong cơ thể con người phát triển rất mạnh. Hết tuổi dậy thì, xương phát triển hoàn thiện. Lúc này, khối lượng xương đã đạt đến giới hạn.

Vì vậy, nếu đã bị loãng xương thì chỉ còn cách cải thiện tình trạng loãng xương chứ không thể phục hồi khối lượng xương như ban đầu.

Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng loãng xương qua việc phục hồi xương từ từ. Để hiểu hơn về lộ trình điều trị căn bệnh này, trước hết, người bệnh cần nắm được mục tiêu chữa loãng xương, bao gồm:

  • Bảo vệ khối lượng xương
  • Giảm thiểu tình trạng gãy xương
  • Giảm đau
  • Duy trì chức năng của xương

Phương pháp điều trị bệnh loãng xương

Các phương pháp điều trị bệnh loãng xương bao gồm: Điều trị bằng thuốc,  liệu pháp hormon và điều trị ngoại khoa. 

Điều trị bằng thuốc

Khi có kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị loãng xương, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc có chức năng bổ sung canxi cho cơ thể, giúp xương chắc khỏe hơn.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm cho bệnh nhân loãng xương vitamin D và những loại thuốc giúp cơ thể hấp thụ vitamin D và canxi dễ dàng. 

Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thêm thuốc giảm đau, thuốc ức chế hoạt động của tế bào hủy xương, thuốc kích thích sản sinh xương, bổ sung canxi…

Hầu hết các loại thuốc trị loãng xương hoạt động bằng cách ức chế quá trình hủy xương. Trong khi một số loại thuốc khác kích thích tạo xương. Các cơ chế này giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương.

Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị, bao gồm:

Bisphosphonates

Bisphosphonates là một loại thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn quá trình phân hủy xương, giúp duy trì độ dày và mạnh của xương.

Bisphosphonates có thể được sử dụng để điều trị loãng xương do tiền sử gia đình, mãn kinh, dùng corticosteroid kéo dài hoặc do một số bệnh điều trị khác. Chúng có thể giảm nguy cơ gãy xương và giảm đau liên quan đến loãng xương.

Tuy nhiên, bisphosphonates có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm viêm dạ dày, viêm thực quản và viêm màng trong lồng ngực. Thuốc cũng chống chỉ định với phụ nữ mang thai và đang cho con bú, bệnh nhân suy thận nặng.

Denosumab

Là phương pháp điều trị dành cho những người không thể sử dụng bisphosphonate. Loại thuốc này thường được sử dụng dưới dạng tiêm, 6 tháng/lần.

Đây là một loại thuốc kháng thể monoclonal, có tác dụng chặn sự hoạt động của một protein gọi là RANKL, làm giảm việc phân hủy xương và tăng sự hình thành xương mới. Điều này giúp làm giảm nguy cơ gãy xương và cải thiện mật độ xương ở những người bị loãng xương. 

Denosumab thường được sử dụng cho phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc không thể dung nạp được các loại thuốc khác để điều trị loãng xương.

Tuy nhiên, như với bất kỳ loại thuốc nào, Denosumab cũng có thể gây ra một số biến chứng hiếm gặp như gãy thân xương đùi không điển hình và hoại tử xương hàm khi dùng kéo dài.

Strontium ranelate

Strontium ranelate là một loại thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương, có tác động tăng cường sự hình thành xương và ức chế hủy xương. Thuốc này thường được dùng dưới dạng viên uống, 1 lần/ngày. 

Tuy nhiên, strontium ranelate chưa được sử dụng rộng rãi vì có thể gây ra một số phản ứng phụ, bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bao tử, và tăng nguy cơ xảy ra một số vấn đề tim mạch.

Thuốc có thể được sử dụng cho những bệnh nhân chống chỉ định hoặc không dung nạp nhóm bisphosphonates.

Các thuốc tăng tạo xương

Thuốc thường được chỉ định Trong trường hợp bệnh nhân bị loãng xương nghiêm trọng và có nguy cơ gãy xương cao/rất cao, không đáp ứng đủ hiệu quả điều trị khi dùng các loại thuốc khác thì sẽ được chỉ định dùng thêm các loại thuốc như teriparatide, abaloparatide, romosozumab.

Những loại thuốc này thường được dùng dưới dạng tiêm và tác dụng của chúng sẽ biến mất ngay sau khi ngừng sử dụng. Vì vậy, sau khi ngừng nhóm thuốc này, bệnh nhân sẽ được kê thêm các loại thuốc khác để duy trì sự phát triển của xương mới.

Điều trị bằng thuốc là một trong những phương pháp điều trị bệnh loãng xương
Điều trị bằng thuốc là một trong những phương pháp điều trị bệnh loãng xương - Ảnh: netdoctor.co.uk

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone, còn được gọi là liệu pháp thay thế estrogen (ERT), thường được khuyến nghị cho phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao để ngăn ngừa mất xương và giảm nguy cơ gãy xương. 

Tuy nhiên, liệu pháp estrogen có thể làm tăng nguy cơ các bệnh lý thường gặp ở phụ nữ như ung thư vúung thư cổ tử cung và làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông có thể gây đột quỵ.

Do đó, bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ về lợi ích và tác hại của liệu pháp này trước khi quyết định điều trị.

Đối với phụ nữ

Raloxifene được kê toa cho phụ nữ có nguy cơ loãng xương, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Đây là một chất điều hoà chọn lọc thụ thể estrogen giống như estrogen, có tác dụng mang lại những lợi ích để cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư vú.

Tuy nhiên, tác dụng phụ thường gặp của thuốc này là gây đỏ mặt, tăng nguy cơ đông máu. Raloxifene nên được uống với liều lượng là 60 mg/ngày trong tối đa 2 năm.

Đối với nam giới

Loãng xương ở nam giới có thể liên quan đến tình trạng suy giảm mức độ testosterone theo thời gian. Sử dụng liệu pháp hormone có thể giúp cải thiện các triệu chứng của testosterone thấp. Khi điều trị loãng xương ở nam giới, bác sĩ thường chỉ định kết hợp liệu pháp hormone và các phương pháp điều trị khác.

Điều trị ngoại khoa

Ngoài các biện pháp điều trị loãng xương bằng thuốc tác động trực tiếp lên xương hay sử dụng liệu pháp hormon, bệnh nhân còn được chỉ định điều trị ngoại khoa trong các trường hợp gãy xương do loãng xương:

  • Gãy cổ xương đùi: Phẫu thuật thay chỏm xương đùi, thay khớp háng toàn bộ
  • Gãy lún đốt sống: Bơm xi măng vào thân đốt sống bị xẹp để phục hồi chiều cao đốt sống.

Lời khuyên từ chuyên gia

Bệnh nhân bị loãng xương sẽ phải chung sống với căn bệnh này trong suốt quãng đời còn lại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để cải thiện sức khỏe người bệnh cũng như giảm thiểu các biến chứng do bệnh gây ra. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho người bị loãng xương.

Chế độ ăn uống

Khi mắc bệnh loãng xương, việc ăn uống có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và hỗ trợ quá trình phục hồi.

Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh loãng xương có thể bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày để hỗ trợ xương khỏe mạnh:

  • Thực phẩm giàu canxi: Sữa, sữa chua, sữa đậu nành, cá hồi, cá ngừ, cua, tôm, hạt chia, nấm mèo, dưa hấu, cải xoong, cải bó xôi, đậu nành, đậu phụ, hạt bí,... tốt cho việc bảo vệ và phòng chống loãng xương cũng như các bệnh về xương khớp khác.
  • Thực phẩm giàu vitamin D: Cá mỡ như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu, cá mập, cá cơm, trứng, nấm mặt trời,... giúp tăng mật độ xương và ngăn ngừa sự rạn xương hông. 
  • Thực phẩm giàu magie: Hạt hướng dương, hạt đậu, hạt bí, hạt chia, hạt lanh, dừa, chuối, cà rốt, khoai lang, táo, nho, đậu đen, đậu hạt,... tăng cường và nuôi dưỡng hệ xương khớp khỏe mạnh.
  • Thực phẩm giàu kali: Rau xanh như cải xanh, bó xôi, bắp cải, cải thìa, cải xoong, cải bắp, rau muống, cà rốt,... giúp tăng mật độ xương và ngăn ngừa sự rạn xương hông. 

Ngoài ra, người bị loãng xương cũng cần chú ý các thực phẩm nên tránh bởi khi nạp vào cơ thể sẽ vô tình làm giảm sự hấp thu canxi hoặc đẩy canxi ra khỏi cơ thể.

  • Thực phẩm chứa nhiều axit: bột mì, ngô, lạc, trứng gà, các loại thịt,… khó biến đổi được và sau quá trình biến đổi vẫn mang tính axit cao không có lợi cho xương.
  • Thực phẩm giàu oxalat: rau lá xanh và các loại đậu như đậu, đậu Hà Lan và đậu lăng. Oxalat là các hợp chất được tìm thấy trong một số loại thực phẩm thực vật liên kết với canxi và làm canxi trở nên không thích hợp để cơ thể hấp thu. Tuy nhiên, những thực phẩm này cũng rất tốt cho sức khỏe nên người bị loãng xương không nhất thiết phải loại bỏ khỏi chế độ ăn uống mà chỉ cần giảm bớt.
  • Rượu bia, chất kích thích như trà, cà phê: Chất kích thích và cafein trong các đồ uống này sẽ phá hủy sự hấp thu canxi trong ruột.
  • Các thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, cá thịt xông khói: Các thực phẩm này có chứa nhiều muối, trong khi muối là tác nhân đẩy canxi ra khỏi cơ thể cùng nước tiểu. 

Chế độ sinh hoạt

  • Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm tốc độ mất xương, giúp tăng sức mạnh cơ bắp và cải thiện sự cân bằng. Một số môn thể thao có lợi cho người bị loãng xương gồm bơi lội, yoga, khí công dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu,...
  • Không nên lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài mà chỉ nên sử dụng khi cần thiết vì thuốc có chứa nhiều tác dụng phụ.
  • Đo mật độ xương 6 tháng đến 1 năm 1 lần để theo dõi kết quả điều trị.
  • Phòng ngừa té ngã bằng cách: Mang giày dép chống trượt, không mang giày đế cao, sử dụng thảm chống trượt trong nhà, lắp đặt tay vịn trong phòng tắm, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng,..
Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm tốc độ mất xương
Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm tốc độ mất xương - Ảnh: suckhoedoisong.vn

Bệnh loãng xương tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người bệnh có thể kiểm soát tình trạng bệnh cũng như cải thiện sức khỏe xương khớp của bản thân bằng cách tuân theo chỉ định của bác sĩ và thiết lập chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý. 

Nếu bạn hoặc người thân có những yếu tố nguy cơ bị loãng xương hoặc phát hiện ra các triệu chứng bất thường về Cơ xương khớp thì cần được thăm khám, đo loãng xương để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết