Thận trọng khi dùng thuốc chữa mất ngủ - Lưu ý quan trọng

Sản phẩm của BookingCare
Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
Xuất bản: 16/10/2020, Cập nhật lần cuối: 04/07/2022
Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
Cố vấn y khoa: Pgs.Ts. Nguyễn Mai Hồng,
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về Chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị

Không nên tự ý dùng thuốc ngủ mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu như quá lạm dụng thuốc ngủ thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh bởi thuốc ngủ có chức năng như một chất gây nghiện. Bác sĩ Nguyễn Hữu Lợi sẽ chia sẻ thêm về vấn đề này trong bài viết dưới đây để bạn đọc tham khảo.

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Thuốc chữa mất ngủ thường có tác dụng nhanh chóng, nhưng không nên sử dụng quá 3 ngày liên tục
Thuốc chữa mất ngủ thường có tác dụng nhanh chóng, nhưng không nên sử dụng quá 3 ngày liên tục - Ảnh: ihs

Mất ngủ, hoặc rối loạn giấc ngủ có biểu hiện rất đa dạng như: giấc ngủ nông, muốn ngủ mà không ngủ được, hay có ác mộng, tỉnh dậy sớm rồi không ngủ lại được, không muốn dậy nhưng cũng không ngủ được...

Khi bị mất ngủ kéo dài, người bệnh cần khám để được khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị. Điều trị bằng thuốc, giúp giảm triệu chứng mất ngủ nhanh chóng.

Nhưng do thuốc điều trị mất ngủ có khá nhiều tác dụng phụ bất lợi, nên chỉ bác sĩ chuyên khoa mới xem xét các đặc tính thuốc khi dùng và ưu tiên dùng các thuốc tác dụng ngắn.

Nội dung bài viết dưới đây, Ths.Bs. Nguyễn Hữu Lợi sẽ cung cấp và chia sẻ thêm các thông tin về vấn đề này để bạn đọc tham khảo.

THÔNG TIN THẠC SĨ, BÁC SĨ NGUYỄN HỮU LỢI

  • Bác sĩ Điều trị tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương (2015 - nay)
  • Thạc sĩ Y học Chuyên ngành Tâm thần, Đại học Y Hà Nội 

Mất ngủ kéo dài là bệnh gì?

Người mất ngủ là người ngủ ít so với bình thường của chính họ trên 2 giờ mỗi ngày. Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ, nguyên nhân phổ biến nhất là do căng thẳng, stress, hoặc bệnh lý trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa và mất ngủ tiên phát.

Người bị mất ngủ thường khó vào giấc ngủ, giấc ngủ nông, dễ tỉnh giấc... Họ thường thức dậy rất sớm và không thể ngủ lại được. Trong cuộc sống khi chúng ta gặp một biến cố, hoặc một kích thích nào đó từ ngoại cảnh... Những trường hợp này chỉ bị mất ngủ tạm thời, khi các biến cố qua đi họ lại ngủ được bình thường mà không nhất thiết phải sử dụng một biện pháp điều trị nào.

Mất ngủ chỉ được coi là bệnh khi người bệnh bị mất ngủ kéo dài, hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sinh lực, buồn ngủ vào ban ngày, đầu óc thiếu tỉnh táo, stress, căng thẳng thần kinh, đau đầu...

Mất ngủ được coi là bệnh lý khi nó kéo hàng hàng tháng, hàng năm
Mất ngủ được coi là bệnh lý khi nó kéo hàng hàng tháng, hàng năm - Ảnh: ihs

Điều trị bệnh mất ngủ

Trước khi áp dụng cách điều trị mất ngủ, người bệnh cần tìm hiểu nguyên nhân là gì. Quan sát xung quanh xem có yếu tố nào tác động không, như: ồn ào, phòng ngủ không thông thoáng - sạch sẽ, sử dụng chất kích thích (caffein, rượu bia, trà, hút thuốc...),áp lực công việc - cuộc sống... 

Khi đã loại bỏ được các nguyên nhân mà tình trạng mất ngủ vẫn lặp lại thì cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị. Điều trị bằng thuốc, giúp giảm triệu chứng mất ngủ nhanh chóng.

Nhưng do thuốc điều trị mất ngủ có khá nhiều tác dụng phụ bất lợi, nên chỉ bác sĩ chuyên khoa mới xem xét các đặc tính thuốc khi dùng và ưu tiên dùng các thuốc tác dụng ngắn. Biện pháp dùng thuốc được xem như là một điều trị bổ sung trong mất ngủ nguyên phát. Nguyên tắc điều trị là dùng liều tác dụng thấp nhất.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số phương pháp khác như: châm cứu, bấm huyệt, xông hơi tinh dầu, thể thao nhẹ nhàng...

Thận trọng khi dùng thuốc chữa mất ngủ

Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Lợi, trong thực tế, không ít người mất ngủ đang lạm dụng việc uống thuốc để có giấc ngủ ngon. Nhưng cần lưu ý rằng, việc sử dụng thuốc chữa mất ngủ cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý chẩn đoán và mua về sử dụng. 

Thông thường, tùy từng tình trạng mà bác sĩ có thể kê một số nhóm thuốc sau (lưu ý: thông tin mang tính tham khảo, người bệnh không tự ý sử dụng). 

Thuốc bình thần

  • Tác dụng: Thuốc có tác dụng giãn cơ, giúp người bệnh dễ dàng đi vào trạng thái thư giãn, từ đó dễ đi vào giấc ngủ.
  • Lưu ý:
    • Thuốc dùng theo kê đơn của bác sỹ
    • Chỉ nên dùng cho các trường hợp mất ngủ ngắn, thường do nguyên nhân căng thẳng tâm lý. Không nên dùng quá 3 ngày.
    • Thuốc sử dụng lâu sẽ gây tình trạng quen thuốc, khiến bệnh nhân không thể quay trở lại giấc ngủ thông thường khi ngưng thuốc, nặng hơn bệnh nhân sẽ vẫn mất ngủ dù tăng liều thuốc lên gấp đôi hay gấp 10 lần bình thường.
    • Tác dụng phụ: Suy giảm trí nhớ tạm thời, buồn nôn, chóng mặt

Thuốc ngủ

  • Tác dụng: Thuốc tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, gây ngủ nhanh chóng.
  • Lưu ý:
    • Nhóm thuốc này cũng gây ra tình trạng quen thuốc, nhờn thuốc giống các thuốc bình thần. Vì vậy chỉ được dùng trong các trường hợp mất ngủ ngắn và không trầm trọng.
    • Thuốc này cũng không nên dùng quá 3 ngày.
  • Tác dụng phu: Chóng mặt, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa...

Thuốc kháng histamin

  • Tác dụng: Thuốc có tác dụng chính là chống dị ứng, ngoài ra có tác dụng gây ngủ khá mạnh. Thuốc thường được dùng cho các bệnh nhân mất ngủ do ngứa, gãi nhiều như hắc lào, eczema, tổ đỉa… Những trường hợp bệnh nhân mắc những bệnh trên nhưng yêu cầu cần có sự tỉnh táo khi làm việc như lái tàu, xe cần cân nhắc việc sử dụng thuốc.
  • Tác dụng phụ: Khô miệng, khô mũi, mệt mỏi, ảnh hưởng đến trí não... 

Thuốc an thần kinh mới

  • Tác dụng: Thuốc tác động lên hệ Dopamin, có tác dụng điều chỉnh giấc ngủ. Thuốc dùng cho mất ngủ ở các bệnh chán ăn tâm lý, trầm cảm, lo âu lan tỏa, hoặc các bệnh lý tâm thần nặng. 
  • Tác dụng phụ: chảy nước bọt, tăng cân do tăng cảm giác ngon miệng, rối loạn nội tiết tố, căng cứng cơ.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, đa vòng

  • Tác dụng: thuốc tác động vào hệ Serotonin.
  • Lưu ý:
    • Thuốc dùng để điều trị các trường hợp mất ngủ do bệnh tâm lý, tâm thần như trầm cảm, lo âu, đau do chấn thương, ung thư, ...
    • Thuốc không có tác dụng tức thời, giấc ngủ chỉ cải thiện rõ ràng sau 3 - 4 tuần điều trị, bệnh nhân cần có sự kiên trì trong quá trình sử dụng để đạt được hiệu quả điều trị.
    • Sau khi đạt được hiệu quả điều trị thuốc cần được duy trì theo chỉ định của bác sỹ, không tự ý dừng thuốc đột ngột, dễ dẫn đến tình trạng tái phát nặng nề hơn, gây khó khăn cho việc điều trị
  • Tác dụng phụ: khô miệng, đắng miệng, táo bón, buồn nôn. Thuốc còn gây bí tiểu ở bệnh nhân có u xơ tiền liệt tuyến. 

Trong thực tế, các bác sĩ thường kết hợp 2 hoặc 3 nhóm thuốc khác nhau tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ của bệnh nhân. Sau 2 tuần điều trị, các bác sĩ điều chỉnh thuốc để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, mà vẫn có tác dụng điều trị mất ngủ được tức thời.

Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có thắc mắc hoặc bất thường gì, người bệnh có thể đăng ký tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ giải đáp kip thời. 

Tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ chuyên khoa
Tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ chuyên khoa - Ảnh: BookingCare

Không nên lạm dụng thuốc chữa mất ngủ

Không nên tự ý dùng thuốc ngủ mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu như quá lạm dụng thuốc ngủ thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh bởi thuốc ngủ có chức năng như một chất gây nghiện. Một khi đã “nghiện” thuốc, bệnh nhân rất khó bỏ, thiếu thuốc sẽ thấy nhức đầu, mệt mỏi rã rời, không thể tập trung.

Bình thường nếu chúng ta chỉ mất ngủ 1-2 đêm, việc uống thuốc ngủ có thể giải quyết tốt tình trạng này. Khi bị sang chấn tinh thần nặng nề hoặc căng thẳng, thuốc ngủ có thể thích hợp trong một thời gian ngắn nhằm giúp chúng ta vượt qua stress và tránh các hậu quả về tâm lý sau một đêm không ngủ.

Tuy nhiên, nó hoàn toàn không phải là giải pháp thích hợp để điều chỉnh các rối loạn của giấc ngủ hoặc chữa trị mất ngủ lâu dài. Thuốc ngủ chỉ có tác dụng tạm thời chứ không chữa được bệnh mất ngủ.

Bạn cũng không nên quá lo lắng khi bác sỹ yêu cầu bạn phải sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài hơn thông thường mà tự ý dừng thuốc đột ngột, điều này sẽ gây ra tình trạng mất ngủ trầm trọng hơn kèm theo nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Việc xác định nguyên nhân mất ngủ rất quan trọng trong điều trị chứng mất ngủ. Có thể do yếu tố tâm lý, nhưng cũng có thể do tổn thương thực thể, cần thăm khám với bác sĩ để biết chính xác nguyên nhân. 

Bản chất thuốc ngủ tồn tại trong cơ thể lâu hơn nhiều so với thời gian gây ngủ. Nó được chuyển hóa ở gan và bài tiết qua thận vì vậy, nếu chức năng gan, thận càng suy yếu, thuốc ngủ sẽ tồn tại trong cơ thể càng lâu. Đó là lý do tại sao người cao tuổi hoặc người mắc bệnh gan, thận nên hạn chế dùng loại thuốc này.

Nội dung chuyên môn bài viết trên đây được chia sẻ bởi bác sĩ Chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần - Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Lợi.

 
 

Đặt khám dễ dàng cùng BookingCare

Sau đây là một số bác sĩ giỏi (hoặc đơn vị uy tín) chuyên Khám chữa mất ngủ tại Hà Nội. Bệnh nhân có thể đặt lịch trước tại đây để đi khám và điều trị hiệu quả.

Đặt khám tư vấn với bác sĩ từ xa qua Video

Bác sĩ khám tư vấn mất ngủ từ xa thông qua cuộc gọi có hình Video, bệnh nhân ở tại nhà kết nối với bác sĩ từ xa nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
1. https://suckhoedoisong.vn/tri-mat-ngu-dung-thuoc-the-nao-n172605.html
2. https://suckhoedoisong.vn/mat-ngu-keo-dai-dung-thuoc-gi-n148272.html
3. https://vnexpress.net/nhung-nguy-hai-khi-dung-thuoc-ngu-3035932.html
4. http://soytetiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin?/thuoc-ngu-va-nhung-van-de-can-biet-truoc-khi-su-dung/6115817
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

© 2023 BookingCare.
Facebook/Youtube/