Trầm cảm có chữa khỏi được không?
Trầm cảm có chữa khỏi được không?
Trầm cảm có thể điều trị được bằng thuốc, trị liệu tâm lý và sự quan tâm chăm sóc của gia đình, bạn bè
Trầm cảm có thể điều trị được bằng thuốc, trị liệu tâm lý và sự quan tâm chăm sóc của gia đình, bạn bè

Trầm cảm có chữa khỏi được không?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/04/2021 | Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
"Trầm cảm có chữa khỏi hoàn toàn được không?" là câu hỏi của nhiều người đang gặp phải rối loạn này. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Trầm cảm là bệnh tâm thần phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, cách suy nghĩ và hành động của người mắc. Đặc trưng của trầm cảm là sự xuất hiện cảm giác buồn bã hoặc suy giảm hứng thú với cuộc sống trong một thời gian dài.

Số liệu thống kê về tỉ lệ mắc trầm cảm đang không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, có hơn một nửa số người trầm cảm không biết mình mắc bệnh hoặc một mực phủ nhận tình trạng trầm cảm của mình.

Để tránh những hệ quả xấu có thể xảy ra, khi có dấu hiệu trầm cảm, bạn cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần để đánh giá tình trạng và điều trị sớm. 

Nguy hiểm do không điều trị trầm cảm

Trầm cảm nhẹ và diễn ra trong thời gian ngắn sẽ không gây nhiều hậu quả đến sức khỏe người bệnh. Nhưng nếu để tình trạng này kéo dài mà không chữa trị có thể gây ra nhiều ảnh hưởng như:

Mất cảm giác ngon miệng 

Khi bị trầm cảm, cơ thể dễ rơi vào 1 trong 2 xu hướng ăn uống: Ăn rất nhiều hoặc không muốn ăn gì. Thay đổi thói quen ăn uống có thể dẫn đến tăng cân hoặc giảm cân nhanh chóng. 

Mất ngủ triền miên

Giấc ngủ của người bệnh dễ bị gián đoạn, lâu dần thành thói quen. Mất ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự tỉnh táo, thậm chí còn làm cho tình trạng trầm cảm ngày càng trầm trọng. 

Đau đầu, đau lưng

Mặc dù trầm cảm không trực tiếp dẫn tới đau đầu và đau lưng, nhưng căng thẳng tâm lý quá mức sẽ dẫn đến căng thẳng về thể chất, thiếu ngủ, dinh dưỡng thấp, cơ thể mất nước... gián tiếp gây ra đau nhức đầu, đau lưng. 

Giảm ham muốn tình dục 

Những người mắc trầm cảm kéo dài có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục, cụ thể là giảm ham muốn tình dục. Trầm cảm ở nam giới khiến phái mạnh gặp những khó khăn như không thể xuất tinh, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương. Còn với nữ giới là bôi trơn âm đạo không đủ...

Suy giảm hệ miễn dịch 

Trầm cảm kéo dài có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch, người bệnh dễ mắc cảm lạnh và cúm hơn. Hệ thống miễn dịch bị suy giảm là do hormone gây stress được sản sinh và lâu dài trong cơ thể. 

Muốn tự sát hoặc có cảm giác thôi thúc sát hại người khác 

Đây là hậu quả nghiêm trọng nhất do trầm cảm, nhưng lại không hề hiếm gặp. Báo chí đã đưa không ít tin tức về việc tự sát như: Tự tử, mẹ giết con, vợ giết chồng, trả thù... 

Nhiều người tự tử vì nghĩ rằng đó là cách duy nhất để thoát khỏi áp lực cuộc sống mà không tìm cách khám với bác sĩ chuyên khoa, đây thực sự là một hệ quả đáng buồn.

Ai cũng có nguy cơ trầm cảm
Trong cuộc sống, ai cũng có nguy cơ mắc trầm cảm - Ảnh: CafeF

Trầm cảm có chữa khỏi được không?

Bệnh trầm cảm có thể điều trị được thông qua việc sử dụng thuốc, điều trị nguyên nhân và sự quan tâm chăm sóc của gia đình và bạn bè xung quanh. 3 phương pháp điều trị phổ biến nhất gồm:

1. Tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động

Phương pháp tự điều chỉnh này thường chỉ áp dụng được với những trường hợp trầm cảm nhẹ, người mới mắc bệnh. 

Tất nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn phương pháp điều chỉnh nhận thức cho đúng đắn. Theo đó, bạn cần thay đổi suy nghĩ, tư duy, nhìn nhận tích cực hơn về cuộc sống, cải thiện mối quan hệ với những người xung quanh. 

Sau một thời gian thực hiện phương pháp này, các triệu chứng trầm cảm sẽ giảm dần và bạn trở lại cuộc sống bình thường như trước đây. 

2. Dùng thuốc điều trị trầm cảm 

Sử dụng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. 

Hiện nay có sẵn rất nhiều thuốc chống trầm cảm để điều trị trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm thường được phân loại theo cách thức chúng ảnh hưởng đến chất hóa học  trung gian trong não để thay đổi tâm trạng.

Trong điều trị trầm cảm, sau khi xác định đúng bệnh rồi, bác sĩ cần phải dò thuốc, dò liều... vì vậy cần thời gian theo dõi. Nếu dùng loại thuốc này mà bệnh không tiến triển tích cực, thì bác sĩ sẽ thử dùng thuốc cùng nhóm hoặc khác nhóm để tìm ra thuốc phù hợp với bệnh nhân.

Bác sĩ cũng có thể thay đổi liều lượng hoặc kết hợp vài loại thuốc để tìm ra liệu trình điều trị trầm cảm hiệu quả... 

3. Trị liệu tâm lý

Tư vấn tâm lý trong điều trị trầm cảm sẽ mang lại hiệu quả cao, đặc biệt khi kết hợp cả 2 phương pháp  (thuốc và trị liệu tâm lý). Trị liệu tâm lý là thuật ngữ chung cho một phương pháp điều trị trầm cảm. Trị liệu được tiến hành bằng việc trò chuyện với một chuyên gia tâm lý về tình trạng bệnh và các vấn đề liên quan.

Hết triệu chứng trầm cảm, vẫn cần dùng thuốc 

Sau khi các triệu chứng trầm cảm biến mất, người bệnh trở lại trạng thái tâm lý bình thường, vẫn cần sử dụng thuốc thêm một thời gian nữa theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Không dừng uống thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa tâm bệnh. Kể cả khi tình trạng bệnh đã ổn định và muốn dừng thuốc thì bạn cần nói chuyện với bác sĩ. Nếu cần dừng thuốc, có thể dần dần giảm liều mà bạn đang dùng. Việc dừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm và khiến bệnh tái phát lại.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho biết, bệnh nhân dù được nhận thấy là đã hết triệu chứng, cũng không được tự ý dừng thuốc. Thuốc chống trầm cảm đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị và phòng ngừa tái phát bệnh. Khi triệu chứng trầm cảm đã hết, cần tiếp tục duy trì thuốc tối thiểu 6 tháng. 

Trong bệnh trầm cảm, nguyên nhân gây bệnh liên quan tới thay đổi sinh hóa ở não và thay đổi này kéo dài. Vì thế cần phải uống thuốc chống trầm cảm lâu hơn, dù triệu chứng bệnh đã giảm.

TS.BS Trần Thi Hồng Thu -Bệnh viện Tâm thần Mai Hương
TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Trưởng khoa lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương

Tự dừng thuốc khi chưa có chỉ định sẽ tái bệnh

TS.BS Trần Thị Hồng Thu cho biết, nguyên nhân tái phát trầm cảm phần lớn do ngưng thuốc quá sớm.

Do đó, bệnh nhân nên tiếp tục dùng thuốc từ 6 - 9 tháng sau khi đã hết bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định cụ thể cho từng trường hợp. Tới lúc này, thay đổi sinh hóa trong não đã trở lại bình thường và người bệnh ít bị tái phát sau khi ngưng thuốc.

Nếu không tiếp tục điều trị thì tỷ lệ tái phát có thể lên tới 25% trong vòng 2 tháng đầu và những bệnh nhân nào tiếp tục được điều trị duy trì trong thời gian 2 năm thì tỷ lệ tái phát sẽ thấp hơn nhiều so với những bệnh nhân bỏ thuốc.

Với các trường hợp trầm cảm kinh niên hoặc trải qua nhiều giai đoạn buồn rầu, cần phải uống thuốc lâu hơn vì ở họ, trầm cảm cũng tương tự như các bệnh mạn tính cao huyết áp, cao đường huyết... "Đặc biệt, nếu bệnh nhân trầm cảm tuổi trên 45 có thể phải uống thuốc chống trầm cảm suốt đời" - Theo Sức khỏe đời sống.

Thuốc trầm cảm có thể gây tác dụng phụ 

Tác dụng phụ do thuốc trầm cảm là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bỏ thuốc giữa chừng. Trong thời gian 1 - 2 tuần đầu sử dụng thuốc và sẽ hết dần về sau, có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

  • Buồn nôn: Ðể tránh buồn nôn, nên uống thuốc khi no bụng, uống nhiều nước, dùng thêm thuốc chống chất chua bao tử.
  • Tăng cân: Lên cân có thể là do giữ nước trong cơ thể, không vận động hoặc ăn ngon hơn khi thuốc chống trầm cảm làm bệnh nhân vui vẻ hơn. Ðể tránh tăng cân, nên ăn nhiều rau trái cây và các loại hạt; vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Rối loạn tình dục: Ðể tránh tác dụng ngoài ý muốn này, nên nói với bác sĩ đổi thuốc; uống loại chỉ cần một viên mỗi ngày và lập kế hoạch quan hệ vợ chồng trước giờ uống thuốc.
  • Mệt mỏi, buồn ngủ: Ðể tránh khó chịu, nên ngủ 10 phút vào ban ngày, vận động nhẹ, uống thuốc 2 giờ trước khi đi ngủ.
  • Bồn chồn, lo lắng: Bệnh nhân có thể cảm thấy như có nhiều sinh lực, tinh thần quá kích động, đứng ngồi không yên. Nhưng triệu chứng này sẽ hết sau một thời gian dùng thuốc. 

Nếu có bất kỳ khó khăn nào trong quá trình điều trị, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thầm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết