Viêm khớp cùng chậu: nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hiệu quả
Viêm khớp cùng chậu: nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hiệu quả
Tổng hợp thông tin về bệnh Viêm khớp cùng chậu
Tổng hợp thông tin về bệnh Viêm khớp cùng chậu - Ảnh: BookingCare

Viêm khớp cùng chậu: nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 26/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Viêm khớp cùng chậu có triệu chứng khá giống với thoái hóa cột sống thắt lưng. Bệnh nhân cần đi khám với bác sĩ thay vì tự điều trị tại nhà vì rất dễ sai cách khiến bệnh nặng hơn.

Viêm khớp cùng chậu có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng phổ biến hơn ở nữ giới trong giai đoạn mang thai và sinh con. Do biểu hiện không điển hình nên bệnh rất dễ nhầm với các bệnh vùng thắt lưng khác. 

Bệnh viêm khớp cùng chậu có diễn biến mãn tính kéo dài, là triệu chứng sớm của viêm cột sống dính khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến viêm cột sống dính khớp, teo cơ hông, đùi, thậm chí có thể gây tàn phế.

Để tìm hiểu đầy đủ thông tin về bệnh lý viêm khớp cùng chậu cũng như biết được phương pháp điều trị hiệu quả, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của BookingCare.

Triệu chứng của bệnh viêm khớp cùng chậu

Dưới đây là những biểu hiện của bệnh viêm khớp cùng chậu:

  • Đau và sưng khớp: Đau và sưng khớp là triệu chứng chính của bệnh viêm khớp cùng chậu. Cơn đau có thể lan xuống đùi, cẳng chân giống như đau dây thần kinh tọa. Sưng khớp cũng có thể xảy ra, làm giảm khả năng di chuyển và gây ra cảm giác bức bối.
  • Hạn chế vận động: Bệnh viêm khớp cùng chậu có thể làm hạn chế khả năng vận động của người bị bệnh. Bởi vì mỗi khi đi lại, leo cầu thang, chạy bộ, thậm chí là khi ngồi, nằm, các cơn đau nhức có thể tấn công người bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng khô cứng khớp khiến tính linh hoạt giảm dần, người bệnh cảm thấy việc di chuyển khó khăn hơn rất nhiều.
  • Cứng khớp: Bệnh viêm khớp cùng chậu có thể gây ra cứng khớp, đặc biệt là sau thời gian nghỉ ngơi hoặc sau khi thức dậy vào buổi sáng. Sự cứng này có thể kéo dài và làm giảm khả năng di chuyển của khớp chậu.
  • Sốt, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt: Các triệu chứng này thường có liên quan đến việc nhiễm trùng khớp cùng chậu.
  • Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Phụ nữ bị viêm khớp cùng chậu, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, dễ gặp các biến chứng khác như viêm ống dẫn trứng, viêm cổ tử cung. Tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tăng tỷ lệ vô sinh hiếm muộn, chửa ngoài dạ con, sinh khó… 
Viêm khớp cùng chậu có thể ảnh hưởng đến hông, mông, hông, chân và bàn chân
Viêm khớp cùng chậu có thể ảnh hưởng đến hông, mông, hông, chân và bàn chân - Ảnh: bone.vn

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cùng chậu

  • Do bị chấn thương: Một chấn thương trực tiếp đến khớp cùng chậu như vấp ngã, tai nạn xe, chơi thể thao… làm tác động lên khớp xương cùng hoặc các dây chằng hỗ trợ bao quanh dẫn tổn thương khớp.
  • Mang thai: Mang thai làm thay đổi hormone relaxin trong cơ thể mẹ bầu, khiến cho các cơ xương khớp vùng chậu giãn nở hơn. Ngoài ra, khi em bé lớn lên, trọng lượng cơ thể người mẹ tăng lên cũng ảnh hưởng đến khớp cùng chậu. Do đó, phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cùng chậu cao.
  • Do bị nhiễm trùng: Những loại vi khuẩn gây hại thâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, sau đó theo đường máu đi đến khớp cùng chậu và gây ra tình trạng viêm nhiễm tại đây. Ngoài ra thì viêm đại tràng, viêm vùng kín ở phụ nữ… cũng có thể gây viêm khớp cùng chậu.
  • Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh khác như Lupus ban đỏ hệ thống, gout, tiểu đường… cũng được xem là đối tượng có nguy cơ dễ mắc viêm khớp cùng chậu hơn.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu thường khó chẩn đoán do một số triệu chứng có thể tương đồng với nhóm bệnh viêm cột sống. Bởi vậy, các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân thăm khám sớm từ khi bắt đầu có triệu chứng. 

Các phương pháp thăm khám, xét nghiệm phục vụ cho việc chẩn đoán viêm khớp cùng chậu bao gồm:

Thăm khám lâm sàng, kiểm tra khả năng vận động

Tùy thuộc vào vị trí và tính chất cũng như hướng lan rộng của cơn đau,... bác sĩ kiểm tra mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bằng cách ấn vào một số vùng ở mông hoặc di chuyển hai chân của bệnh nhân. 

Nếu người bệnh cảm thấy đau ở cột sống, hông hoặc chân khi bác sĩ tác động một lực nhất định lên khớp xương cùng thì rất có thể đã mắc viêm khớp cùng chậu.

Chụp X-quang, CT-scan hoặc MRI

Chụp X-quang có thể được sử dụng để kiểm tra xem có bất kỳ tổn thương hoặc biến dạng nào trong khớp cùng chậu. X-quang không thể phát hiện vi khuẩn nhưng có thể xác định mức độ tổn thương khác nhau của xương chậu cũng như khớp cùng chậu. Từ đó giúp bác sĩ có thêm dữ liệu để chẩn đoán bệnh tốt hơn.

Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng có thể giúp chẩn đoán viêm khớp cùng chậu nhờ vào các đặc điểm chi tiết hơn về xương khớp. Công cụ chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng giúp đánh giá tốt hơn các mô mềm, bao gồm cả cơ và dây chằng.

Thông qua kết quả chụp MRI, bác sĩ vừa có thể xác định các vết gãy nhỏ có thể không nhìn thấy trên X-quang, vừa xác định tình trạng viêm trong khớp cùng chậu nếu trong ổ khớp của bệnh nhân có quá nhiều dịch viêm.

Xét nghiệm máu, nước tiểu

Xét nghiệm máu có thể bao gồm đo lượng vi khuẩn hoặc chất gây viêm trong máu. Kết quả xét nghiệm này có thể cho thấy mức độ viêm nhiễm trong cơ thể.

Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đang mang thai hoặc sau khi sinh, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm nước tiểu để xác định nguyên nhân gây viêm khớp cùng chậu do vi khuẩn cư trú ở đường sinh dục, tiết niệu lan đến khớp cùng chậu.

Gây tê cục bộ

Gây tê cục bộ là phương pháp được sử dụng nhiều nhất để xác định các triệu chứng đau lưng của bệnh nhân có phải do viêm khớp cùng chậu hay không.

Đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiêm thuốc tê vào khớp cùng chậu bằng cách sử dụng tia X hướng dẫn kim đến vị trí thích hợp của tủy sống để tiêm. 

Nếu sau khi tiêm, các cơn đau của bệnh nhân có dấu hiệu thuyên giảm, bác sĩ có thể kết luận viêm khớp cùng chậu là một trong số những nguyên nhân chính gây ra triệu chứng đau lưng của người bệnh. Còn nếu các triệu chứng không giảm dần sau khi tiêm thì bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân gây bệnh chính xác là gì.

Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp cùng chậu

Tùy thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh, bác sĩ Cơ xương khớp sẽ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Các biện pháp điều trị bệnh viêm khớp cùng chậu bao gồm:

Điều trị bằng biện pháp không dùng thuốc

Các biện pháp điều trị bệnh viêm khớp cùng chậu không dùng thuốc bao gồm vật lý trị liệu, kích thích điện và sóng xung kích.

Người bệnh sẽ được tư vấn và hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu để duy trì các chức năng vận động của cột sống, tăng cường sự dẻo dai và linh hoạt cho khớp cùng chậu. 

Tuy nhiên, trước khi tập bất kỳ bài tập nào, bệnh nhân cũng nên trao đổi với các chuyên gia Cơ xương khớp để tìm được bài tập phù hợp với tình trạng bệnh của mình, tránh làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn hoặc gây thêm chấn thương.

Khi điều trị tại bệnh viện có phòng khám chuyên khoa Cơ xương khớp, bệnh nhân sẽ được chiếu tia hồng ngoại hoặc sóng xung kích tại vùng khớp cùng chậu. Nguồn sóng âm mang năng lượng cao này tác động vào đầu mút của các dây thần kinh cảm giác ở khớp cùng chậu, giúp thúc đẩy quá trình tái tạo xương và các mô mềm sau tổn thương và làm thuyên giảm các cơn đau.

Các bài tập vật lý trị liệu hỗ trợ tốt cho điều trị viêm khớp cùng chậu
Các bài tập vật lý trị liệu hỗ trợ tốt cho điều trị viêm khớp cùng chậu - Ảnh: nhatnhat.com

 

Điều trị bằng biện pháp dùng thuốc

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau trong viêm khớp cùng chậu, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng một nhóm hay phối hợp cùng lúc nhiều nhóm thuốc sau:

  • Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen, Acetaminophen; thuốc giãn cơ… là biện pháp điều trị nội khoa thường được chỉ định cho bệnh nhân viêm khớp cùng chậu.
  • Thuốc giãn cơ: Các loại thuốc này giúp nới lỏng phần cơ bắp bị căng cứng, nhờ vào đó mà cảm giác đau nhức cải thiện nhanh chóng.
  • Thuốc ức chế TNF alpha như Adalimumab, Certolizumab, infliximab…để kiểm soát tình trạng viêm khớp, đề phòng nguy cơ viêm cột sống dính khớp
  • Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm khớp cùng chậu kèm theo nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sinh dục, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh kèm theo. Lưu ý với viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ mang thai, cho con bú thì phải trao đổi thật kỹ với bác sĩ và rất thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi hoặc trẻ đang bú.

Phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh nhân không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã điều trị bằng thuốc lẫn vật lý trị liệu thì sẽ được chỉ định phẫu thuật. 

Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà người bệnh được chỉ định phẫu thuật không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ sẽ sử dụng phần cứng kim loại để hợp nhất hai xương với nhau giúp bệnh nhân giảm đau do các phản ứng viêm tại chỗ gây ra.

Chăm sóc hiệu quả bệnh viêm khớp cùng chậu tại nhà

Ngoài các phương pháp điều trị được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám chuyên khoa Cơ xương khớp, bệnh nhân cũng nên ghi nhớ một số nguyên tắc chăm sóc hiệu quả bệnh viêm khớp cùng chậu tại nhà.

  • Sử dụng túi đá hoặc gói nhiệt để chườm nóng và chườm lạnh xen kẽ giúp giảm đau và viêm.
  • Lựa chọn tư thế thích hợp trong sinh hoạt, lao động hàng ngày để không làm trầm trọng thêm tình trạng viêm khớp.
  • Tập các bài vật lý trị liệu tại nhà theo sự hướng dẫn hoặc giám sát của các chuyên gia Cơ xương khớp
  • Thường xuyên vận động, tập luyện thể thao để tăng sức dẻo dai cho xương khớp.

Sống chung với bệnh viêm khớp cùng chậu

  • Xây dựng thực đơn lành mạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Người bệnh cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin D, B12, canxi, kali, chất béo omega 3... Tránh uống bia rượu, hút thuốc lá, đồ uống có cồn...
  • Đi bộ nhẹ nhàng giúp xoa dịu cơn đau ở khớp và lưng của người bệnh. Tuy nhiên, khi bắt đầu cảm thấy đau, người bệnh nên dừng lại ngay lập tức và nghỉ ngơi đến khi cơn đau thuyên giảm. 
  • Phụ nữ mang thai cần theo dõi sức khỏe sát sao hơn.
  • Người bị viêm khớp cùng chậu, đặc biệt là phụ nữ cần uống nhiều nước để phòng bệnh sỏi đường tiết niệu và viêm đường tiết niệu – nguyên nhân chính gây bệnh viêm khớp cùng chậu ở nữ giới.
  • Đối với phụ nữ, cần chú ý giữ vệ sinh tốt trong thời kỳ hành kinh. Nếu chị em mắc các bệnh nhiễm khuẩn ở cơ quan sinh dục, nhất là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ như viêm âm hộ, âm đạo, tử cung, vòi trứng phải điều trị triệt để.

Bệnh viêm khớp cùng chậu có thể được chữa trị khỏi khi bệnh nhân đến thăm khám và điều trị sớm. Mong rằng những thông tin BookingCare đưa ra sẽ giúp bạn đọc hiểu biết hơn về căn bệnh này để có thể chủ động phát hiện và đến khám chữa bệnh kịp thời ở các chuyên khoa Cơ xương khớp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare