Bị nổi bọng nước trên da là bệnh gì?
Nổi bọng nước trên da
Nổi bọng nước trên da là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau - Ảnh: BookingCare

Bị nổi bọng nước trên da là bệnh gì?

Tác giả: - Xuất bản: 26/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 26/03/2024
Nổi bọng nước trên da có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh da liễu khác nhau. Vì vậy, khi thấy da nổi bọng nước bất thường, bạn nên quan sát và đi khám khi cần thiết.

Bọng nước trên da là những sang thương nổi trên bề mặt da, chứa đầy dịch bên trong. Bọng nước khiến người bệnh khó chịu, đau đớn. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên mụn nước và bọng nước nên bạn cần đi khám với bác sĩ chuyên khoa Da liễu để có chẩn đoán chính xác nhất.

Phân biệt mụn nước và bọng nước

Bọng nước và mụn nước đều là những tổn thương xuất hiện trên da, nhô lên khỏi bề mặt da và chứa đầy dịch.

Tuy nhiên, mụn nước có kích thước nhỏ hơn, đường kính dưới 5mm. bọng nước thường có kích thước lớn, sau khi vỡ ra tạo vết trợt, sau đó khô lại. bọng nước có thể xảy ra cấp tính hay mạn tính.

Nguyên nhân nổi bọng nước trên da

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nổi bọng nước trên da. Các dạng bọng nước khác nhau sẽ có những nguyên nhân khác nhau.

  • Các bệnh lý gây mụn nước, bọng nước cấp tính thường là do nhiễm trùng hay bệnh da viêm.
  • Bọng nước cấp tính lan tỏa toàn thân thường do chàm, thủy đậu, hồng ban đa dạng, herpes,...
  • Bọng nước cấp tính khu trú do các nguyên nhân nhiễm trùng, bệnh da viêm và chấn thương do các tác nhân vật lý: chốc bọng nước, viêm quầng, côn trùng đốt, viêm da tiếp xúc, bỏng,...
  • Bọng nước do di truyền: Bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh và bệnh Haley - Haley có biểu hiện bọng nước.

Bệnh da thường gặp có biểu hiện bọng nước

Tay chân miệng

Tay chân miệng là căn bệnh thường gặp do vi-rút gây ra. Bệnh dễ thấy ở trẻ em do hệ miễn dịch của trẻ còn kém, tuy nhiên, vẫn có khả năng thanh thiếu niên và người lớn cũng mắc bệnh này.

Tay chân miệng có biểu hiện đặc trưng là sốt và nổi bọng nước tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng. Ngoài ra, bọng nước có khả năng xuất hiện lưỡi, bên trong má và đôi khi ở mông (ở mông thường do tiêu chảy gây ra).

Tay chân miệng là bệnh dễ lây lan, đặc biệt ở trẻ em đến tuổi đi học. Việc tiếp xúc với các bạn các bạn bị bệnh khiến bé có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao.

Dù rất hiếm xảy ra nhưng tay chân miệng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến não hoặc viêm cơ tim.

Thủy đậu

Biểu hiện đặc trưng của thủy đậu nổi mụn nước, bọng nước ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân.

Thông thường, mụn nước có kích thước từ 1 - 3mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên, những trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ thấy xuất hiện bọng nước to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

Bọng nước do bệnh thủy đậu thường lõm ở giữa khi mới mọc, nổi rải rác toàn thân, bọng nước cũ xen lẫn bọng nước mới kèm theo biểu hiện ngứa ngáy, đau nhức rất khó chịu.

Thủy đậu là căn bệnh rất dễ truyền nhiễm nếu như người khỏe mạnh tiếp xúc với bọng nước vỡ của người bị thuỷ đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người nhiễm bệnh.

Ngoài ra, bệnh thủy đậu cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh.

Zona thần kinh

Bệnh zona là bệnh nhiễm trùng da do virus thần kinh Varicella zoster (VZV) - virus gây bệnh thủy đậu, thuộc họ virus herpes gây nên. Người bị thủy đậu sau khi khỏi vẫn còn một số virus Varicella tồn tại ở trạng thái tiềm tàng nhưng không gây bệnh.

Virus này cư trú ở các hạch thần kinh trong nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần hoặc suy nhược cơ thể,... loại virus này sẽ tái hoạt.

Chúng nhân lên và phát triển lan truyền ra các đầu dây thần kinh cảm giác làm tổn thương niêm mạc, da từ đó gây nên bệnh zona. Đó chính là lý do mà zona là một bệnh ngoài da nhưng lại có tổn thương gốc ở dây thần kinh.

Triệu chứng điển hình của zona thần kinh là những vùng da sần, bọng nước tập trung thành đám giống như chùm nho. Lúc đầu mụn nước trong, căng, khó vỡ nhưng về sau, chúng bắt đầu đục dần và vỡ ra tạo thành các vết loét.

Bọng nước do zona thần kinh chỉ phát triển ở một bên cơ thể hoặc tập trung ở những vị trí đặc biệt chứ không phát triển trên toàn bộ cơ thể.

Bệnh Pemphigus (Bọng nước tự miễn)

Pemphigus là bệnh da phỏng nặng, tiến triển cấp hay mãn tính, là bệnh tự miễn, bọng nước trong lớp biểu bì ở da và niêm mạc gây nên hiện tượng ly gai ở thượng bì.

Bệnh có thể xảy ra đột ngột ở một người khoẻ mạnh, bắt đầu ở niêm mạc miệng nhiều tuần, nhiều tháng trước khi xuất hiện thương tổn ở da, thường có vết trợt trong miệng, nhất là ở vòm khẩu cái do có phỏng nước, có khi là phỏng máu vỡ ra ở đó.

Pemphigus là bệnh lý nguy hiểm, vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm nhất có thể là vô cùng cần thiết. Nếu không, bệnh có thể gây tử vong trong vòng 6 tháng đến 2 năm. Tử vong thường do bệnh tiến triển nặng, biến chứng nhiễm khuẩn huyết, suy sụp dần, viêm phổi, urê huyết tăng, tổn thương ở phủ tạng.

bệnh Pemphigus
Bệnh Pemphigus không được điều trị sớm có thể gây tử vong - Ảnh: suckhoe.vn

Chàm (Eczema)

Chàm là nhóm bệnh da viêm gây ngứa, đặc trưng bởi sự thay đổi viêm của lớp trên cùng của da. Chàm là bệnh ngoài da không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ vậy, chàm khiến làn da trở nên xấu xí, khiến người bệnh mất tự tin.

Bệnh chàm cũng rất dễ gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ thường gãi mạnh, cào xước khi bị ngứa ngáy, từ đó dễ dẫn đến bội nhiễm.

Chàm cũng có biểu hiện mụn nước, bọng nước trên bề mặt da đi kèm cảm giác đau rát khi mụn bị vỡ. Khi mụn nước bắt đầu bong ra, làn da trở nên khô cứng, đóng vảy.

Các bệnh lý khác

Ngoài các bệnh ngoài da nêu trên, bọng nước trên da có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác như hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens Johnson nhiễm độc da do thuốc, viêm quầng, ghẻ, Herpes simplex, tổ đỉa,...

Nổi bọng nước trên da chữa như thế nào?

Do có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên việc điều trị bọng nước trên da khá khó khăn nếu không xác định được chính xác bệnh lý gây ra. Nếu xác định sai, việc điều trị có thể không mang lại kết quả tốt hoặc thậm chí khiến bệnh nặng hơn.

Trong trường hợp bọng nước nghiêm trọng không rõ nguyên nhân, bạn nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Trong trường hợp bọng nước không quá nghiêm trọng hoặc bệnh nhân chưa có thời gian và chưa thuận tiện đi khám, bệnh nhân có thể lựa chọn thăm khám online với bác sĩ Da liễu từ xa qua video.

Sau khi xem xét tình trạng bệnh qua hình ảnh và mô tả của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra định hướng điều trị sao cho phù hợp nhất.

Trong trường hợp bọng nước trên da lan rộng và nghiêm trọng, bệnh nhân nên đến đến bệnh viện, phòng khám uy tín để kiểm tra và làm các xét nghiệm nếu cần thiết.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết