Viêm họng có nguy hiểm không? Cần đi khám ngay khi có biểu hiện sau

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 06/08/2020 - Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Viêm họng là bệnh thường xảy ra ở đường hô hấp, hay gặp ở cả người lớn và trẻ em, nhất là vào mùa lạnh hoặc các thời điểm giao mùa. Tham khảo bài viết sau để có thêm thông tin cần thiết về điều trị viêm họng.

Cách chữa Viêm họng? Mẹo trị viêm họng không dùng kháng sinh
Cần điều trị bệnh viêm họng đúng cách để tránh để lại biến chứng - Ảnh: healthmylife

Viêm họng là một trong những bệnh Tai Mũi Họng thường gặp, ở cả người lớn và trẻ em. Viêm họng cấp kéo dài không chỉ khiến cổ họng sưng đau, khó chịu, mất tiếng, ho khan, ho có đờm... mà còn dễ dẫn đến tình trạng viêm họng mãn tính, rất khó chữa trị dứt điểm. 

Người bệnh mắc viêm họng không nên chủ quan chờ bệnh tự khỏi mà cần tìm hiểu, áp dụng cách chữa viêm họng hiệu quả để bệnh có tiến triển tốt. Ngoài ra, không phải loại bệnh viêm họng nào cũng cần dùng kháng sinh điều trị, đặc biệt chú ý không nên lạm dụng kháng sinh.

Viêm họng là bệnh gì? 

Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng và hầu, niêm mạc cổ họng bị sưng viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm họng gồm 2 giai đoạn chính:

  • Viêm họng cấp tính
  • Viêm họng mãn tính

Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần, không để lại biến chứng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh không tự khỏi và kéo dài. Lâu ngày, bệnh có thể hình thành khối mủ khiến hơi thở có mùi, các bệnh viêm xoang, viêm tai giữa cấp...

Khi nào cần đi khám Viêm họng? 

Một số trường hợp viêm họng có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị sớm và đúng cách. Bệnh nhân không nên chủ quan mà cần theo dõi bệnh tình để biết khi nào nên đi gặp bác sĩ khám và điều trị viêm họng

Nếu chưa sắp xếp được thời gian đi khám, người bệnh có thể đăng ký khám từ xa qua Video với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị ban đầu. Một số trường hợp sau bệnh nhân cần đi khám và điều trị sớm: 

Triệu chứngLý do cần đi khám

Sưng tấy cổ và lưỡi

  • Cổ bị sưng tấy có thể do các hạch bạch huyết vị viêm do viêm amidan, cảm cúm.
  • Sưng hạch bạch huyết có thể là triệu chứng của bệnh ung thư, giang mai, lupus ban đỏ, HIV.
  • Lưỡi sưng có thể do viêm họng, viêm amidan, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm thanh quản. Trường hợp này cần phải được khám và điều trị với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Đau họng và phát ban

  • Trẻ em dễ mắc phải các bệnh lý có triệu chứng phát ban trên da kèm viêm họng như sởi, rubella, thủy đậu.
  • Đây đều là những bệnh nghiêm trọng, cần đi khám với bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn.

Đau họng và sốt cao

  • Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh khi bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus thường có triệu chứng đau họng đi kèm với sốt cao.
  • Sốt cao nếu không có cách chữa trị ngay có thể dẫn đến co giật.

Đau họng và cứng cổ

  • Có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não, là tình trạng viêm lớp màng bao quanh não và hệ thống thần kinh cột sống.
  • Ngoài đau họng và khó cúi đầu, người viêm màng não có thể có các triệu chứng như sốt, buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng.

Đau họng và chảy dãi

  • Dấu hiệu cho thấy người bệnh bị viêm họng nặng, khó nuốt, đặc biệt là ở trẻ em.
  • Khó nuốt khiến bệnh nhân đau đớn, mệt mỏi, mất nước và nhiều biến chứng khác.

Ngoài các triệu chứng điển hình nêu trên, nếu như bệnh nhân theo dõi thấy viêm họng rêu lưỡi trắng, viêm họng kéo dài lâu ngày không khỏi, đau họng lan đến xương hàm và tai, ho ra máu... thì cần đi khám với bác sĩ viêm họng ngay để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị.

Xem thêm bài viết:

Cách chữa bệnh viêm họng
Khi có biểu hiện đau họng kèm sốt cao, cứng cổ, phát ban... bệnh nhân nên đi khám ngay - Ảnh: vov.vn 

Biến chứng do viêm họng

  • Tại họng: áp-xe, viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amidan, áp-xe thành sau họng (gặp nhiều ở trẻ em).
  • Tại các cơ quan lân cận: viêm mũi, viêm xoang
  • Dễ dẫn đến viêm tai giữa: Viêm họng dễ dẫn đến viêm tai do vi khuẩn lan truyền qua đường liên thông từ họng đến lỗ vòi nhĩ và tai giữa. Trẻ nhỏ bị viêm tai giữa sẽ quấy khóc, bỏ bú, sốt; nghiêng đầu và quờ tay vào tai.

Trong quá trình tắm rửa hoặc vì một nguyên nhân nào đó mà tai bị va chạm, bé sẽ khóc thét. Cần đưa bé đi khám để bác sĩ can thiệp, dẫn lưu mủ trong tai. Trẻ bị viêm tai giữa, phụ huynh cần chăm sóc cho bé thật kỹ; tái khám để biết chắc chắn bệnh đã khỏi vì nếu chăm sóc không kỹ, bé sẽ bị viêm tai xương chũm.

Ngoài ra, viêm họng còn gây ra biến chứng viêm phổi: Những trường hợp bệnh nhẹ, do không giữ gìn kỹ, người bệnh bị nhiễm lạnh, vi trùng từ đường hô hấp trên sẽ nhanh chóng tiến vào phế quản, phổi. 

Cách chữa bệnh viêm họng đơn giản và hiệu quả

Có nhiều cách điều trị viêm họng đơn giản và hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân mà sẽ có những cách điều trị viêm họng khác nhau.

1. Điều trị viêm họng cấp

Thông thường, bệnh viêm họng cấp có những triệu chứng dễ nhận thấy như đau họng, sốt cao, khó nuốt, nhức đầu, mệt mỏi, ho khan và ho có đờm, ngạt mũi, góc hàm nổi hạch...

Bệnh nhân nên đi khám với bác sĩ để biết nguyên nhân gây viêm họng là do virus hay vi khuẩn. Thông thường, viêm họng cấp được chẩn đoán thông qua triệu chứng, nhưng trong các trường hợp bệnh nặng, bác sĩ Tai Mũi Họng có thể chỉ định xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác. 

Khi chưa xét nghiệm được nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn hay virus, bệnh nhân trên 3 tuổi sẽ được điều trị như bệnh viêm họng liên cầu khuẩn. Bệnh nhân được tư vấn cách chữa viêm họng như sau:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh
  • Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, tiêu viêm
  • Điều trị tại chỗ bằng bôi họng, khí dung họng, súc họng
  • Thực hiện xét nghiệm (nếu cần) 
  • Bổ sung vitamin, các yếu tố vi lượng, các  loại sinh tố

2. Điều trị viêm họng mãn tính

Điều trị bệnh viêm họng mãn tính cần phải kiên trì để bệnh khỏi dứt điểm, nếu không rất dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Viêm họng mãn tính có thể chữa được, bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời và đúng cách. Có thể điều trị bằng cách:

  • Điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh như viêm mũi họng, viêm mũi xoang, viêm V.A, viêm amidan, viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản...
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều trị triệu chứng như giảm đau, tiêu viêm, chống dị ứng, hạ sốt, tiêu đờm
  • Vệ sinh mũi họng sạch sẽ, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn
  • Ngưng sử dụng chất kích thích: Thuốc lá, rượu bia, đồ ăn cay nóng, nước uống có ga, chất caffeine,...
  • Sử dụng khẩu trang khi ra đường để hạn chế tiếp xúc với khói bụi, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.

3. Điều trị viêm họng hạt

Viêm họng hạt là tình trạng bệnh viêm họng kéo dài và tái phát nhiều lần. Amidan và hầu họng bị viêm làm các tế bào lympho hoạt động quá độ, gây ra hiện tượng sưng to tạo thành hạt khiến cổ họng đau rát, vướng víu, khó chịu.

Viêm họng hạt gồm 2 thể là cấp tính và mãn tính. Viêm họng hạt cấp tính có hạt viêm li ti ở mức độ nhẹ, nếu sử dụng thuốc điều trị phù hợp có thể khỏi bệnh. Viêm họng hạt mãn tính có các triệu chứng nặng hơn, nhờn thuốc dễ tái phát và khó điều trị hơn. Nhiều trường hợp cần phải điều trị ngoại khoa để đốt hạt.

Đơn thuốc chữa viêm họng hạt có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh
  • Thuốc kháng viêm
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt
  • Dung dịch súc miệng

Các phương pháp can thiệp ngoại khoa đốt hạt trị viêm họng hạt:

  • Đốt điện lạnh
  • Sử dụng tia laser
  • Đốt hạt sử dụng hóa chất
Cách chữa viêm họng hạt
Có nhiều cách chữa viêm họng hạt tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân - Ảnh: SKĐS

Lưu ý: Không lạm dụng kháng sinh chữa đau họng

Nhiều bệnh nhân có thói quen tự ý uống thuốc kháng sinh khi viêm họng. Tuy nhiên, dùng kháng sinh không đúng cách, lạm dụng kháng sinh có thể gây lờn thuốc, khiến kháng sinh mất tác dụng với những loại vi khuẩn mới.

Viêm họng có 2 nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn và virus. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh viêm họng là do virus (60-80%),còn lại số ít là viêm họng do vi khuẩn.

Thuốc kháng sinh có tác dụng ức chế và tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh là vi khuẩn, đồng nghĩa với việc sử dụng thuốc kháng sinh trong các trường hợp viêm họng do virus là không có tác dụng.

Để thuốc kháng sinh có hiệu quả, bệnh nhân cần đi khám và thực hiện uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân cần phải thăm khám, nhiều trường hợp phải xét nghiệm mới xác định được bệnh viêm họng có phải do vi khuẩn gây nên hay không.

Đặc biệt, với trẻ nhỏ bị viêm họng, cơ thể trẻ không hấp thu, chuyển hóa và đào thải chất hoàn chỉnh, việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi dễ gây tai biến hơn nhiều so với người lớn. Cha mẹ cần cân nhắc cho con tư vấn với bác sĩ Tai Mũi Họng trước khi dùng thuốc. 

Mẹo: Trị viêm họng không dùng thuốc kháng sinh

Vệ sinh răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng nước muối ấm giúp bệnh viêm họng nhanh chóng thuyên giảm. Ngoài ra, vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm họng do các bệnh lý liên quan. Có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, nhỏ mũi để vệ sinh sạch sẽ.

Sử dụng các thực phẩm có tác dụng chữa viêm họng

  • Mật ong pha với trà
  • Nước ấm
  • Nước dấm trắng, muối và nước lọc
  • Nghệ, gừng, tỏi, hành tây, cam thảo, lá bạc hà, 
  • Trà thảo mộc
  • Xông hơi dầu khuynh điệp

Ăn uống đúng cách

Bệnh nhân nên chế biến đồ ăn nhẹ nhàng, tránh các đồ ăn cay nóng, quá chua hoặc quá mặn, chất kích thích như thuốc lá, rượu bia. Thay đổi chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, nhiều rau xanh, trái cây, vitamin và chất khoáng nhằm tăng cường sức đề kháng.

Xây dựng môi trường, chế độ sống lành mạnh

Nên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Không nên tiếp xúc với môi trường quá lạnh, không ở quá lâu trong môi trường điều hòa quá lâu. Điều hòa không nên để thấp hơn 27 độ, nên có máy phun hơi nước để tránh không khí quá khô.

Hạn chế làm việc quá sức, thức khuya dẫn đến hệ miễn dịch giảm sút. Nên uống một cốc nước ấm trước khi thức dậy và chuẩn bị đi ngủ, có thể pha thêm mật ong.

Chữa viêm họng bằng thuốc kháng sinh
Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh để chữa viêm họng - Ảnh: Vinmec 

Trên đây là tổng hợp của BookingCare về cách chữa viêm họng và mẹo điều trị viêm họng không dùng kháng sinh. Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo thêm nhiều bài viết khác tại chuyên mục Cẩm nang của BookingCare.

Xem thêm bài viết

 
 
Tài liệu tham khảo
1. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/viem-hong-khi-nao-nguy-hiem-can-di-kham/
2. https://suckhoedoisong.vn/lam-the-nao-tri-viem-hong-hat-dut-diem-hieu-qua-ma-khong-can-dot-hat--n136129.html
3. https://suckhoedoisong.vn/viem-hong-va-lam-dung-khang-sinh-n146122.html
4. https://suckhoedoisong.vn/viem-hong-va-lam-dung-khang-sinh-n146122.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/