Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 09/11/2023
Rối loạn nhịp tim là bệnh lý thường gặp mà người bệnh có thể có hoặc không có triệu chứng, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng. Người bệnh cần chú ý những triệu chứng của bệnh để thăm khám kịp thời, tìm ra nguyên nhân và theo sát hướng điều trị của bác sĩ.

Ngày nay, rối loạn nhịp tim ngày càng xuất hiện phổ biến và có xu hướng trẻ hóa gây triệu chứng, làm giảm chất lượng cuộc sống thậm chí  có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cùng tìm hiểu các thông tin xoay quanh bệnh rối loạn nhịp tim cũng như cách điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Rối loạn nhịp tim là gì?

Nhịp tim bình thường là nhịp tim đều dao động trong khoảng từ 60 đến 100 lần/phút. Những nhịp tim trên 100 lần/phút gọi là các rối loạn nhịp tim nhanh và dưới 60 lần/ph gọi là các rối loạn nhịp tim chậm.

Loạn nhịp tim xảy ra khi các xung điện trong tim, dẫn truyền tạo nhịp tim không hoạt động đúng, làm tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc đột ngột, gây các triệu chứng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của rối loạn nhịp tim đó và các yếu tố liên quan trong đó mức độ nặng nhất là nguy hiểm tới tính mạng.

Triệu chứng của rối loạn nhịp tim

Loạn nhịp tim có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Tuy nhiên, ở một số người bệnh triệu chứng mắc rối loạn nhịp tim có thể biểu hiện như sau:

Trường hợp nhịp tim quá chậm

Người bệnh có thể biểu hiện mệt, chóng mặt, xỉu nặng hơn là ngất 

Trường hợp nhịp tim quá nhanh

  • Đánh trống ngực
  • Bệnh nhân cảm thấy quả tim mình đang đập nhanh, mạnh
  • Cảm giác hẫng hụt, cảm giác tim bị ngưng vài giây, thường theo sau bởi một nhịp đập mạnh, đôi khi như bị đấm vào ngực.
  • Nhiều cảm giác hẫng hụt liên tiếp, có thể đều hoặc không đều
  • Mệt và cảm giác khó thở

Đây là biểu hiện thường gặp của nhiều loại loạn nhịp tim, tuy nhiên nó lại là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau.

Tim đập nhanh, mạnh là triệu chứng của rối loạn nhịp tim
Tim đập nhanh, mạnh là triệu chứng của rối loạn nhịp tim - Ảnh: cminj.com

Nguyên nhân rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có thể là  những bất thường từ bệnh lý tim mạch gây ra. Các bệnh lý tim mạch bao gồm: bệnh cơ tim, suy tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, bệnh động mạch vành,… gây tổn thương thực thể tại tim.

Những nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng đến nhịp tim như:

  • Tuổi tác: Người càng cao tuổi có nguy cơ loạn nhịp tim càng cao
  • Chế độ làm việc, sinh hoạt không lành mạnh: Sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, lao động gắng sức,... là những nguy cơ thể làm phát triển rối loạn nhịp tim chức năng
  • Bệnh lý khác: Người mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa như huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu, các bệnh lý về tuyến giáp yếu tố có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim
  • Bệnh tâm lý: Rối loạn nhịp tim cũng thường gặp ở những bệnh nhân bị mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm.

Xét nghiệm chẩn đoán rối loạn nhịp tim

Chẩn đoán rối loạn nhịp tim dựa vào khám lâm sàng và cận lâm sàng. Thông thường, qua khám lâm sàng bác sĩ có thể nhận ra loại rối loạn nhịp tim là nhịp nhanh, chậm hay không đều. Nhưng để chẩn đoán được cụ thể thì cần đến các xét nghiệm cận lâm sàng.

Các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG): là thăm dò chức năng rất quan trọng trong chẩn đoán rối loạn nhịp tim, cho thấy đặc điểm điện học của từng loại rối loạn nhịp.
  • Sử dụng máy đo Holter 24h/48h: Người bệnh sẽ đeo máy đo Holter trên người để ghi điện tâm đồ liên tục trong 24 tiếng hoặc 48 tiếng để phát hiện các rối loạn nhịp thoáng qua, rối loạn nhịp không có triệu chứng trong khoảng thời gian này.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng khác như: xét nghiệm máu, nghiệm pháp đo gắng sức tim mạch hô hấp (CPET), thăm dò điện sinh lý tim (EPS), nghiệm pháp bàn nghiêng (Tilt-table test), siêu âm tim, chụp CT, MRI…

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim

Nếu rối loạn nhịp tim không đáng kể về mặt lâm sàng, tức là không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tim, không gây triệu chứng, không có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn và gây biến chứng về sau thì người bệnh chỉ cần thay đổi lối sống và theo dõi định kỳ.

Còn nếu phát hiện rối loạn nhịp tim bất thường, bệnh gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh và diễn biến của bệnh trở nên trầm trọng hơn thì bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân các phương pháp điều trị y tế.

Điều trị tim đập chậm

Nếu người bệnh rối loạn nhịp chậm (nhịp tim chậm) được xác định là bệnh lý từ hệ thống dẫn truyền của tim gây triệu chứng bác sĩ thường chỉ định cấy  máy tạo nhịp tim để điều trị. Nếu nhịp tim quá chậm hoặc nếu nhịp tim ngừng lại, máy tạo nhịp tim sẽ gửi xung điện kích thích tim đập ở mức ổn định hợp lý theo lập trình của máy tạo nhịp.

Điều trị tim đập nhanh

  • Nghiệm pháp Vagal. Có thể dừng chứng loạn nhịp tim khởi phát ở nửa trên của tim bằng cách sử dụng thao tác cụ thể bao gồm giữ hơi thở, nhúng mặt trong nước đá, hoặc ho.
  • Sử dụng thuốc: Nhiều loại nhịp nhanh đáp ứng tốt với thuốc chống loạn nhịp. Mặc dù không chữa được vấn đề gốc, có thể làm giảm cơn nhịp tim nhanh hoặc làm chậm tim khi nhịp nhanh xảy ra. 
  • Sốc điện: Nếu có nhịp tim nhanh từ tâm nhĩ, bao gồm rung nhĩ, bác sĩ có thể sử dụng sốc điện để thiết lập lại nhịp tim  thường xuyên.

Các thiết bị cấy ghép

Ngoài máy tạo nhịp tim, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng máy khử rung tim được cấy dưới da (ICD) để liên tục theo dõi nhịp tim. 

Nếu phát hiện ra nhịp quá chậm, nó sẽ tác động vào tim như là một máy tạo nhịp tim. Nếu phát hiện cơn VT (cơn nhịp nhanh thất) hoặc VF (rung thất), nó sẽ sốc năng lượng để thiết lập lại nhịp tim. ICD có thể làm giảm nguy cơ chứng loạn nhịp tim gây tử vong so với việc sử dụng thuốc.

Điều trị phẫu thuật

Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể là điều trị khuyến cáo cho các rối loạn nhịp tim:

  • Tạo sẹo nhĩ: Những vết sẹo tạo ra một cách cẩn thận trong tâm nhĩ là hình thức ranh giới xung điện trong tim đi đúng cách để làm cho tim đập hiệu quả. 
  • Phình mạch. Trong một số trường hợp, phình mạch trong một mạch máu từ tim là nguyên nhân của chứng loạn nhịp tim. Nếu cắt bỏ bằng ống thông và cấy ICD không hiệu quả, có thể cần phẫu thuật này. Bao gồm việc loại bỏ chứng phình động mạch gây ra chứng loạn nhịp tim.
  • Phẫu thuật mạch vành. Nếu có bệnh mạch vành trầm trọng, thêm vào nhịp nhanh thất, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Điều này có thể cải thiện việc cung cấp máu cho tim và giảm tần số nhịp nhanh thất.

Chăm sóc rối loạn nhịp tim tại nhà

  • Nếu đột nhiên bạn bị tim đập nhanh, hãy dừng các công việc đang thực hiện và tìm chỗ thoáng mát để ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi
  • Nếu cảm thấy nhịp tim đang tăng lên hoặc có các dấu hiệu mất nước như khô miệng, chóng mặt, đi tiểu sẫm màu, hãy uống ngay một ly nước.
  • Ho là nghiệm pháp có thể giúp tim đập bình thường trở lại trường hợp nhịp tim chậm do cường phế vị. Nếu bạn hồi hộp, lo lắng và tim đập nhanh thì có thể ho nhẹ để tạo áp lực lên lồng ngực, kích thích dây thần kinh phế vị sẽ giúp tim đập chậm lại.

Sống chung với rối loạn nhịp tim

  • Giảm căng thẳng, tránh thức khuya, ngủ đủ 6-8 tiếng/ngày
  • Ăn giảm muối, sử dụng các nhóm thực phẩm tốt cho tim như trái cây, rau, ngũ cốc, cá… Cần hạn chế tối đa các thực phẩm chứa chất béo bão hòa và thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.
  • Có lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng, loại bỏ các chất kích thích ra khỏi cuộc sống.
  • Giảm cân nếu đang trong tình trạng thừa cân và duy trì một mức cân hợp lý
  • Tuân thủ lịch tái khám với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch

Hy vọng bài viết trên đây của BookingCare đã giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh rối loạn nhịp tim. Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường ở nhịp tim, bạn nên chủ động thăm khám với bác sĩ để được chữa trị kịp thời trước khi xảy ra các biến chứng về sau.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare