Bệnh tim to: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh tim to: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh tim to: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Bệnh tim to: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 03/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Bệnh tim to hay phì đại cơ tim là bệnh lý tim mạch đặc trưng ảnh hưởng đến cơ tim, gây khó thở và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm, giúp người bệnh giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, duy trì một cuộc sống bình thường.

Bệnh tim to thường do di truyền nên rất khó phát hiện. Bệnh gây ra các triệu chứng về tim mạch khiến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh bị giảm sút nghiêm trọng. Hiểu biết về căn bệnh này có thể giúp bạn sống một cuộc sống lành mạnh hơn và phòng ngừa các biến chứng xấu có thể xảy ra. Cùng BookingCare tìm hiểu kỹ hơn về bệnh tim to trong bài viết dưới đây!

Bệnh tim to là gì?

Bệnh tim to hay còn gọi là cơ tim phì đại, là tình trạng cơ tim bị dày lên, thường là ở vách ngăn giữa 2 tâm thất trái và phải. Điều này làm cản trở việc bơm máu của tim, giảm lưu lượng máu từ tâm thất trái đến động mạch chủ. 

Tùy thuộc vào từng trường hợp, tình trạng tim to có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Mặt khác, tình trạng này có thể xảy ra với toàn bộ trái tim hoặc chỉ một phần.

Hiện nay, bệnh cơ tim phì đại được chia thành 2 loại phổ biến. Bao gồm: 

  • Bệnh cơ tim tắc nghẽn phì đại (HOMC): Tình trạng này xảy ra khi vách ngăn dày lên làm tắc nghẽn hoặc giảm lưu lượng máy từ tâm thất trái vào động mạch chủ. Bởi vậy, tâm thất phải phải làm việc nhiều hơn để có đủ máu đi nuôi cơ thể. 
  • Bệnh cơ tim phì đại không tắc nghẽn: Tâm thất trái có thể dày lên và cứng hơn ở những phần khác của tim như đáy tim (đỉnh tim). Tuy nhiên, nó chỉ làm làm giảm thể tích chứa máu của tâm thất trái chứ không ngăn cản máu di chuyển. 

Triệu chứng bệnh tim to

Hầu hết các trường hợp bệnh tim to chỉ được phát hiện người bệnh khám sức khỏe định kỳ hoặc khám tim vì một bệnh lý khác. Ở một số người, chứng tim to không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào rõ ràng. Một số người khác thì tồn tại những dấu hiệu và triệu chứng như sau:

  • Khó thở khi lao động, tập thể dục, gắng sức; khó thở trong các hoạt động thường ngày, có những trường hợp khó thở ngay cả khi nằm nghỉ ngơi hoặc khi ngủ. Xảy ra những cơn đau nhói ngực.
  • Thở dốc khi thức dậy
  • Rối loạn nhịp tim: Tim đập nhanh, tim đập không đều, nhịp tim rung.
  • Phù (sưng), đặc biệt là ở chân, bàn chân hoặc bụng.
  • Ngất xỉu, đây là dấu hiệu báo hiệu rối loạn nhịp nhanh thất hoặc rung thất, có nguy cơ đột tử.
  • Tăng huyết áp
Bệnh tim to gây ra cảm giác khó thở, đau nhói ngực
Bệnh tim to gây ra cảm giác khó thở, đau nhói ngực - Ảnh: vnexpress.net

Nguyên nhân gây bệnh tim to

Tim to có thể do cơ tim bị tổn thương hoặc một số nguyên nhân khác khiến tim bơm máu khó hơn bình thường. Đôi khi trái tim lớn hơn và trở nên yếu đi không rõ lý do. Tình trạng này được gọi là bệnh cơ tim giãn nở vô căn.

Các nguyên nhân gây ra bệnh tim to bao gồm:

  • Đột biến gen và di truyền: Thường là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh cơ tim phì đại. Những đột biến này làm cho cơ tim phát triển dày lên bất thường.
  • Bệnh tim bẩm sinh (khuyết tật tim bẩm sinh): Các vấn đề về cấu trúc và chức năng của tim có thể khiến cơ tim lớn hơn và yếu đi.
  • Tổn thương từ một cơn đau tim: Sẹo và các tổn thương cấu trúc khác của tim có thể khiến tim khó bơm đủ máu đi khắp cơ thể. 
  • Bệnh về cơ tim: Bệnh cơ tim thường làm cho tim cứng hoặc dày hơn và có thể khiến tim khó bơm máu hơn.
  • Tích tụ chất lỏng trong túi xung quanh tim (tràn dịch màng ngoài tim): Một tập hợp chất lỏng trong túi chứa tim có thể gây ra chứng phì đại tim.
  • Bệnh van tim: Bốn van trong tim giữ cho máu chảy đúng hướng. Bệnh lý hoặc tổn thương đối với bất kỳ van nào có thể làm gián đoạn lưu lượng máu và khiến các buồng tim trở nên lớn hơn.
  • Huyết áp cao: Tăng huyết áp khiến tim có thể phải bơm máu nhiều hơn để đưa máu đến các phần còn lại của cơ thể. Sự căng thẳng có thể khiến cơ tim phát triển lớn hơn và trở nên yếu đi.
  • Huyết áp cao trong động mạch phổi (tăng huyết áp phổi): Tim phải làm việc nhiều hơn để di chuyển máu giữa phổi và tim. Sự căng thẳng có thể dẫn đến dày lên hoặc mở rộng bên phải của tim.
  • Số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu): Khi thiếu máu, thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang lượng oxy thích hợp đến các mô của cơ thể. Tim phải bơm máu nhiều hơn để bù đắp lượng oxy bị thiếu hụt trong máu.
  • Rối loạn tuyến giáp: Cả tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) và tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) đều có thể dẫn đến các vấn đề về tim, bao gồm cả chứng tim to.
  • Quá nhiều chất sắt trong cơ thể: Sắt có thể tích tụ trong các cơ quan khác nhau, bao gồm cả tim. Điều này có thể khiến buồng tim dưới bên trái sưng lên.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh tim to

Đầu tiên, bác sĩ Tim mạch sẽ tiến hành khám và nghe tiếng thổi ở tim. Một tiếng thổi tim bất thường trong cơ thể người bệnh có thể chỉ ra cơ tim dày lên gây ra dòng chảy bất thường. Đồng thời, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh tim mạch trong gia đình của bạn để đưa ra những phán đoán ban đầu về chứng phì đại cơ tim.

Tiếp đến, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng như:

  • Siêu âm tim: Thông qua hình ảnh siêu âm tim, bác sĩ có thể thấy độ dày của cơ tim, dòng máu bị cản trở và nếu van tim di chuyển bình thường.
  • Siêu âm tim gắng sức: Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp tại chỗ trong khi nhịp tim và hơi thở được theo dõi. Thông qua sóng siêu âm, bác sĩ so sánh hình ảnh của tim trước và sau khi gắng sức, cho phép xác định các thay đổi hoặc bất kỳ bất thường nào xảy ra ở tim.
  • Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG): Theo dõi hoạt động điện trong tim của người bệnh, cho thấy cảnh bảo các cơ tim đang dày lên, đồng thời có thể chẩn đoán nhịp tim không đều và thiếu máu cục bộ.
  • Chụp MRI: Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật hình ảnh có sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của tim. Chụp MRI sẽ cho thấy hình ảnh những lát cắt chi tiết của tim thể hiện cả mạch máu bên trong, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
  • Holter điện tâm đồ: Một thiết bị theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian nhất định sẽ được gắn lên cơ thể người bệnh để kịp thời phát hiện mỗi khi nhịp tim bất thường.
  • Thông tim: Phương pháp này giúp đo áp lực dòng máu trong tim của người bệnh. Một ống thông được đưa vào động mạch, bắt đầu từ vùng háng rồi luồn đến ngăn tim theo hướng dẫn của máy X quang. Chất màu được tiêm qua ống thông, và máy X quang tạo ra hình ảnh của tim và mạch máu.
Siêu âm tim gắng sức là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh tim to
Siêu âm tim gắng sức là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh tim to - Ảnh: melbourneheartcare.com.au

Phương pháp điều trị bệnh tim to

Bệnh tim to (cơ tim phì đại) không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị bệnh tim to chủ yếu nhằm giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh, đặc biệt là nguy cơ đột quỵ tim ở những người có nguy cơ cao.

Điều trị bằng thuốc

Tùy vào tình hình sức khỏe của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc thông dụng bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta để giảm nhịp tim và bảo tồn cơ tim.
  • Thuốc chẹn kênh canxi để kéo dài thời gian thời kỳ tâm trương và tăng sức co bóp.
  • Thuốc kháng đông nhằm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ khi bệnh nhân có rối loạn nhịp tim.
  • Thuốc lợi tiểu giúp giảm ứ dịch ở phổi và chân.
  • Thuốc kháng sinh phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Điều trị xâm lấn

Trong trường hợp người bệnh cơ tim phì đại không đáp ứng điều trị bằng thuốc, các bác sĩ Tim mạch sẽ tiến hành các phương pháp điều trị xâm lấn.

Phẫu thuật cắt lọc cơ tim

Các bác sĩ cắt bỏ phần vách liên thất phì đại để mở rộng đường ra thất trái. Song song với đó, bác sĩ có thể sửa chữa van tim bệnh lý của người bệnh trong quá trình phẫu thuật. 

Tuy nhiên, phẫu thuật này cũng tiềm ẩn rủi ro là trong một số trường hợp, hệ thống dẫn truyền của tim bị ảnh hưởng, bệnh nhân phải được gắn máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

Đốt cơ tim bằng cồn nguyên chất

Đầu tiên, bác sĩ sẽ đưa ống thông theo đường động mạch đến động mạch vành cung cấp máu nuôi phần cơ tim bị phì đại. Sau khi xác định được nhánh động mạch thích hợp, 3-4 ml cồn nguyên chất 100 độ sẽ được tiêm vào, khiến nhánh động mạch đó bị tắc và không thể cung cấp máu cho phần cơ tim phì đại, giúp phần phì đại sẽ thu nhỏ lại sau 8 - 12 tuần.

Ghép tim

Ghép tim được chỉ định cho những bệnh nhân mắc bệnh cơ tim phì đại và suy tim nặng không đáp ứng với các liệu pháp điều trị trên.

Chăm sóc hiệu quả bệnh tim to tại nhà

Người mắc bệnh tim to hoàn toàn có thể duy trì một cuộc sống bình thường nếu có một chế độ chăm sóc hợp lý. Chú ý một số điểm trong đời sống để chăm sóc và giảm thiểu các triệu chứng của bệnh tim to:

  • Giữ một tinh thần tích cực, lạc quan, tránh các tình huống căng thẳng, stress, kích thích tim đập nhanh.
  • Tránh nâng vật nặng và chơi các môn thể thao có cường độ cao. Nên tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng như Aerobic, đạp xe, bơi lội,...
  • Tránh để cơ thể mất nước, cần uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tái khám Tim mạch định kỳ đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi triệu chứng, có phương pháp điều trị kịp thời.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Sống chung với bệnh tim to

Bên cạnh phương pháp điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật, người bệnh cũng cần thực hiện một lối sống lành mạnh, khoa học. Điều này giúp làm thúc đẩy quá trình cải thiện tình trạng và kiểm soát các biến chứng của bệnh tim to.

Người bệnh cần chú ý: 

  • Kiểm soát lượng muối đưa vào cơ thể hàng ngày. Định lượng khuyến cáo cho người bệnh tim mạch là 5g muối/ngày. 
  • Tăng cường những thực phẩm tốt cho tim mạch, giàu vitamin và chất xơ từ rau xanh và hoa quả.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm chiên, rán, xào, bơ, nội tạng, da động vật. Thay vào đó người bệnh có thể sử dụng bơ và dầu được chiết xuất từ thực vật như dầu oliu, hạt cải, hướng dương. 
  • Tránh các loại nước ngọt có ga, các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, cafe.
  • Đối với người bệnh mắc các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, tiểu đường, cần kiểm soát chỉ số đường huyết và huyết áp hàng ngày. 
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức ổn định, hợp lý. Nếu đang trong tình trạng thừa cân, béo phì thì cần giảm về số cân phù hợp.

Cơ tim phì đại là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có nguy cơ đột tử cao trong một số trường hợp. Đây là bệnh lý thường do di truyền nên nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh và gặp bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, bạn đọc nên chủ động thăm khám sớm với bác sĩ Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết